Xác định tiền không phải tất cả, startup Tây chọn hệ sinh thái sản xuất của Shark Phú

18/05/2021 11:35 GMT+7

‘Với tôi điều quan trọng nhất vẫn là nhà máy. Tôi đi cùng Shark Phú vì tôi sẽ được hỗ trợ bởi một nhà máy từ bên trong’ - Nhà sáng lập và điều hành của Lock Cuff chia sẻ lý do về với hệ sinh thái Sunhouse.

Robert Thorwath - nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Lock Cuff - startup người nước ngoài đầu tiên đến Shark Tank Việt Nam với sản phẩm khóa chống trộm cho xe máy. Robert cho biết, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ xe máy nhiều bậc nhất nhưng các loại khóa chống trộm hiện tại chưa được tiện dụng, đặc biệt với chị em phụ nữ. Chính vì vậy, ông đã nghĩ ra việc kết hợp chiếc còng tay với một cái khóa để tạo ra một loại khóa mới.
Một trong những điều khiến khán giả yêu thích startup này hơn là vì tuy là người Mỹ nhưng Robert có một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam. Robert chia sẻ, khi bắt đầu hình thành ý tưởng và tìm nhà sản xuất để tạo ra khuôn mẫu và sản phẩm, có một công ty New Zealand đã tiếp cận ông và đề nghị hợp tác nhưng Robert đã từ chối vì “Lock Cuff được sinh ra ở Hà Nội cho nên nó sẽ ở Việt Nam thôi” và “tôi sẽ không sản xuất nó ở một quốc gia nào khác Việt Nam” - Robert khẳng định. Toàn bộ nguyên liệu tạo ra chiếc khóa đều sản xuất tại Hà Nội. Quy trình sản xuất không dùng nhựa, rất thân thiện với môi trường. Hiện giá của một chiếc khóa chống trộm là 275.000đ/chiếc. Robert đã sản xuất đợt đầu 500 chiếc từ ngày 3.3.2021 và bán hết sạch hàng ngay khi sản phẩm vừa được đưa ra thị trường.
Nhìn thấy đây là một startup tiềm năng, ý tưởng hình thành cũng như sản phẩm mang đầy "chất Việt", thị trường lớn, giá cả phù hợp, Shark Phú đã nhanh chóng lên tiếng trước, dùng cả hệ sinh thái Sunhouse của mình để "hấp dẫn" startup Tây này: “Tôi có nhà xưởng với mọi loại máy móc có thể làm mẫu cho anh. Tôi có hệ thống bán hàng. Tất cả đều đã sẵn sàng”.
Với startup tiềm năng này, Shark Phú đã gặp phải sự “giằng co” dữ dội từ Shark Bình và Shark Liên. Hai Shark cũng đưa ra đề nghị đầu tư kèm những cam kết hấp dẫn.
Quyết liệt trong cách “chiêu dụ” startup phù hợp và phân tích rõ được những vấn đề mà startup đang cần, Shark Phú đồng ý đầu tư 2 tỉ cho 10% cổ phần và tiếp tục dùng hệ sinh thái, nhà máy, hệ thống phân phối để thuyết phục startup Tây này: “Hãy chú ý, sau lưng chúng ta có một hệ thống rất lớn từ xưởng tới 2.000 nhân công, máy móc và thiết bị. Mọi máy móc, mẫu, phương pháp có thể phát triển cái này cho anh dễ dàng”.
Kết quả, Robert đã chọn Shark Phú vì cần hệ thống sản xuất của Sunhouse, đồng thời cũng xác định tiền không phải tất cả. “Với tôi điều quan trọng nhất vẫn là nhà máy. Tôi đi cùng Shark Phú vì tôi sẽ được hỗ trợ bởi một nhà máy từ bên trong”- Robert nói.
Chia sẻ thêm về lý do đầu tư cho Lock Cuff, Shark Phú cho biết, founder của Lock Cuff là người rất thông minh, hiểu rất rõ mình đang muốn gì và cần gì. Hơn thế nữa, ông nhìn thấy tiềm năng thị trường của sản phẩm này rất lớn. Mức giá của sản phẩm phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt, đặc biệt nằm trong hệ sinh thái sản xuất của Sunhouse nên ông sẽ hỗ trợ được nhiều cho startup.
Shark Phú hoàn toàn có cơ sở để đưa ra những nhận định này khi ông đang sở hữu một trong những hệ sinh thái sản xuất lớn bậc nhất Việt Nam trong lĩnh vực đồ gia dụng. Được biết, Sunhouse hiện đang sở hữu cụm 8 nhà máy sản xuất, bao gồm các cụm nhà máy sản xuất gia dụng Sunhouse, nhà máy nhôm nhựa Aluba, nhà máy vi mạch điện tử Narae Sunhouse System, các cụm nhà máy cơ khí,… Với những lợi thế sẵn có từ hệ sinh thái, Sunhouse sẽ hỗ trợ Lock Cuff sản xuất thành phẩm, nâng cao chất lượng với chi phí thấp hơn và ra hàng nhanh hơn, từng bước tiến vào thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.