Chuyên gia Thạch Chánh Lệ tại Viện virus học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được cho là người xác định tổ tiên trực hệ của virus Corona mới (nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán, dù có nhiều tin đồn về việc nCoV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm nơi bà nghiên cứu.
Theo tờ South China Morning Post, nhà virus học 56 tuổi này suốt nhiều năm qua thường xuyên nghiên cứu tại các hang động hôi thối vì chứa đầy phân dơi. Bà đã đi sâu vào các vùng núi hiểm trở tại 28 tỉnh ở Trung Quốc, tìm đến những nơi tăm tối nhất là nơi nhiều loài dơi trú ẩn.
Những mẫu vật được bà đưa về phân tích tại Phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia tại Vũ Hán để phân tích. Sau hơn 1 thập niên, chuyên gia này tạo nên một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các loài virus liên quan đến dơi.
Đội ngũ của bà Thạch rà soát lại cơ sở dữ liệu này sau khi virus Corona mới bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12.2019. Và cũng chính họ là nhóm đầu tiên phát hiện virus Corona mới là hậu duệ trực tiếp của một chủng virus mà họ đã tiêu hủy trong phân của một loài dơi quạ tại tỉnh Vân Nam.
Hai chủng virus này có bộ gien giống nhau đến 96%. Nghiên cứu của bà Thạch là khởi đầu giúp giới khoa học hiểu về nguồn gốc của chủng virus mới.
Tin đồn virus thoát từ phòng thí nghiệm
Trong những tuần qua, tên của bà Thạch có số lượng tìm kiếm trên internet tăng vọt hơn 2.000 lần. Tuy nhiên, phần lớn nội dung đăng trên mạng xã hội về chuyên gia này tại Trung Quốc đều là tiêu cực, thậm chí có người gọi bà là “mẹ của quỷ”.
Làn sóng công kích đi kèm cáo buộc virus Corona mới thoát ra từ phòng thí nghiệm của chuyên gia này ở Vũ Hán, nơi bùng phát dịch.
Bà Thạch hiện nằm trong số rất nhiều nhà khoa học trên toàn cầu nỗ lực tìm cách tiêu diệt virus Corona mới. Tại Trung Quốc và nhiều nước khác, các phòng thí nghiệm đang giải mã gien, phân tích cấu trúc phân tử và đối phó với tình trạng lây lan trong cộng đồng. Nghiên cứu quan trọng nhất là tìm ra biện pháp chữa trị.
Lén lút hơn SARS
Đối với nhiều nhà khoa học và công chúng, virus Corona mới thường được so sánh với Hội chứng hô hấp cấp (SARS) vào năm 2002-2003 vì khiến nhiều người bị nhiễm và thiệt mạng, đồng thời cũng liên quan đến chủng virus trên dơi.
Theo chuyên gia virus học Trung Quốc Tằng Quang, virus Corona mới “lén lút hơn SARS”. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu phán đoán sai về chúng nên đưa ra kết luận có sai sót.
Ở giai đoạn mới bùng phát dịch, ông Cao Phúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho rằng virus không có biểu hiện lây từ người sang người.
Sau khi phát hiện virus xuất phát từ một khu chợ hải sản và động vật hoang dã, cơ quan chức năng tại Vũ Hán đã đóng cửa chợ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khi đó chưa có những biện pháp quyết liệt hơn, giữa lúc mọi người đang tập trung nhiều vào Tết Nguyên đán.
Khoảng 5 triệu người khi đó rời Vũ Hán để nghỉ tết, trong khi những sự kiện công cộng vẫn tiếp diễn và thu hút nhiều người tại thành phố với 11 triệu dân này.
Chạy đua nghiên cứu
Hiện nay, nhiều nhà khoa học tại Trung Quốc đang gấp rút tìm cách điều trị viêm phổi Vũ Hán, kể cả những chuyên gia cao tuổi. Giáo sư Chung Nam Sơn, người phát hiện virus SARS vào năm 2003, hiện vẫn tích cực nghiên cứu cách diệt virus Corona mới dù ông đã 83 tuổi.
Chuyên gia Lý Lan Quyên tại Đại học Chiết Giang cũng đang nghiên cứu dù bà đã 73 tuổi. Nhiều chuyên gia đề xuất các biện pháp như phong tỏa Vũ Hán và được nhiều người đánh giá cao vì đã lên tiếng trong những thời điểm khó khăn khi xảy ra dịch bệnh.
Bà Thạch cũng đang dẫn đầu một nhóm chuyên gia tìm cách đánh bại virus Corona mới. Hiện giới khoa học trên thế giới vẫn chưa xác định được mối liên hệ giữa virus và mọi triệu chứng trên động vật trong thử nghiệm, cũng như tốc độ biến đổi và tác dụng của các loại thuốc có thể được dùng để chữa trị.
Bình luận (0)