Ví điện tử là tài khoản online được sử dụng để thanh toán các giao dịch trực tuyến như mua bán, trả hóa đơn… ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nhằm tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn cho tài khoản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 23/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014 về việc bắt buộc chủ tài khoản phải xác thực thông tin người dùng để tiếp tục sử dụng dịch vụ này cần được thực hiện trước ngày 7.7.2020.
Hiện cả nước có 34 tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (tính tới hết tháng 6.2020), cung ứng 10 triệu ví điện tử đã được xác thực có liên kết với tài khoản ngân hàng.
NHNN cho biết cơ chế xác thực là cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn cho thanh toán điện tử, tránh trường hợp ví điện tử bị lợi dụng cho các giao dịch bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhận thức về an toàn thông tin cá nhân của người dùng tăng cao sau nhiều bê bối lộ dữ liệu cá nhân từ các doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau trong nước cũng như trên thế giới, một bộ phận không nhỏ chủ ví điện tử lo ngại những chi tiết định danh của mình có thể bị lợi dụng cho các mục đích khác nhau.
|
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và có thời gian dài làm việc trực tiếp với quy trình cấp phép ví điện tử tại Việt Nam, việc lộ dữ liệu khi sử dụng ví điện tử “hoàn toàn không xảy ra”. Chuyên gia này cho biết mọi thông tin người dùng sử dụng để xác minh khi liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng cũng như thực hiện giao dịch đều được mã hóa và lưu trữ theo các quy trình bảo mật dữ liệu của các trung gian thanh toán.
“Các trung tâm thanh toán khi liên kết với ngân hàng phải có chứng chỉ bảo mật quốc tế theo chuẩn PCI DSS, một tiêu chuẩn bảo mật xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật”, chuyên gia này nói. Hội đồng này gồm nhiều thành viên là những công ty dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới như Visa, MasterCard, American Express, JCB International, Discover Financial Services.
“Thông tin định danh có thể xem là chìa khóa mà trung gian thanh toán gửi sang ngân hàng để họ chứng thực liên kết với ví điện tử trong giao dịch. Đây cũng là cơ sở để bảo vệ tài khoản người dùng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh về sau. Ví dụ khi có nhiều hơn một người dùng tuyên bố quyền sở hữu với tài khoản ví điện tử, việc đối chiếu thông tin có liên kết với ngân hàng sẽ quyết định ai mới là chủ thực sự”, chuyên gia đề nghị giấu tên cho biết thêm.
Hiện nay, đa phần người dùng đều có ít nhất một tài khoản ngân hàng. Tài khoản này được đăng ký với nhiều thông tin nhằm xác minh chủ sở hữu như họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, số căn cước công dân (hoặc số chứng minh nhân dân)… Việc xác thực tài khoản ví điện tử sẽ giúp ngân hàng chứng thực được chủ tài khoản ví và chủ tài khoản ngân hàng là một người, giúp nâng cao quy trình bảo mật và bảo vệ tài khoản.
Thực tế, quy định về xác thực danh tính chủ tài khoản ví điện tử đã được NHNN quy định trong Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về Dịch vụ trung gian thanh toán, không phải là điều mới mẻ. Dù vậy trong thời gian qua, các dịch vụ trung gian thanh toán đã “lược” bớt quy trình nhằm thu hút người dùng.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành NTS Security cho rằng mối lo của người dùng là điều đương nhiên, nhưng việc triển khai quy định của NHNN là không thể bỏ qua. “Người dùng vẫn cần xác thực để sử dụng dịch vụ, nhưng từ mối lo của họ cho thấy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải làm tốt hơn nữa, bảo mật tốt để mang lại sự yên tâm cho khách hàng của mình”, ông Vũ chia sẻ.
“Dù dùng laptop hay điện thoại di động, nếu thiết bị không ‘sạch’, tức là bị nhiễm virus hay là đối tượng tấn công của tin tặc thì rất nhiều khả năng lộ thông tin ví điện tử. Những trường hợp lỗi do người dùng để mất thông tin tài khoản, chắc chắn bên cung cấp sẽ không thể có trách nhiệm đền bù. Vì vậy người dùng cần phương án xác thực uy tín và có kiến thức sử dụng internet an toàn để quá trình trải nghiệm an toàn hơn”, ông Vũ tư vấn.
Việc từ bỏ ví điện tử để quay sang sử dụng ứng dụng do bên kinh doanh dịch vụ cung cấp hay thậm chí là các tiện ích đi kèm trong phần mềm quản lý của ngân hàng nơi mở tài khoản không phải giải pháp tối ưu. Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết ngân hàng đều có Mobile Banking, Internet Banking nhưng trải nghiệm chưa thuận tiện, kém thân thiện hơn ví điện tử.
“Về mặt trải nghiệm trên ví điện tử sẽ tốt hơn so với ứng dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc triển khai, phổ biến rộng khắp ví điện tử cũng đơn giản và ít tốn kém hơn so với việc lắp đặt thiết bị tích hợp thanh toán từ nhà băng. Ví điện tử cũng nhiều ưu đãi hơn nhằm kích thích người dùng, đặc biệt là trong giai đoạn tìm kiếm khách hàng”, một chuyên gia đánh giá.
|
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch kiêm đồng sáng lập ví MoMo cho biết lượng người dùng xác thực thông tin trên dịch vụ này ngày càng cao, cho thấy họ ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài khoản cá nhân, nhất là khi liên quan tới giao dịch tài chính. “MoMo bảo mật thông tin của khách hàng đang được bảo mật giống như các ngân hàng thực hiện. Công ty đã quy chuẩn và tự động hóa lưu trữ thông tin, hạn chế tối đa cá nhân tiếp xúc trực tiếp với thông tin khách hàng bởi an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu cá nhân là yếu tố sống còn với doanh nghiệp”, ông Diệp cho hay.
Ông Nguyễn Bá Diệp đồng thời khuyến cáo người dùng có biện pháp bảo vệ tài khoản ví điện tử của mình như không cung cấp, trao đổi tài khoản, tiết lộ mật khẩu đăng nhập hay mã OTP cho bất kỳ bên thứ ba nào khác.
Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, MoMo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử phổ biến nhất tại Hà Nội và TP.HCM, chiếm tới 90% thị phần. Còn theo Asian Banker Research, dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ có hơn 10 triệu người dùng ví điện tử. Những con số này đều cho thấy tiềm năng phát triển của mô hình thanh toán này tại Việt Nam.
Bình luận (0)