|
Đó là một trong những cảnh báo nêu ra tại hội thảo “Bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục”, do Trung tâm Tương Lai tổ chức, diễn ra tại TP.HCM vào ngày 10.6. Hội thảo đã thu hút nhiều thành phần đại biểu tham dự. Tuy vậy, những giải pháp bảo vệ trẻ đưa ra vẫn còn ít ỏi.
Chị Trần Phương Hải Yến, đại diện nhóm Sáng tạo trẻ Bến Tre, cho biết số trẻ bị lạm dụng để kiếm tiền cho người lớn bằng hình thức bán vé số đang có chiều hướng tăng mạnh. Theo khảo sát của nhóm, cứ 10 người bán vé số thì có khoảng 3 - 4 trẻ em. Cũng theo nhóm này, ở TP.Bến Tre, việc trẻ em bị ngược đãi, trẻ lao động ở các cơ sở như lò kẹo, cơ sở sản xuất thạch dừa, lò gạch là khá phổ biến. “Trong thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em phải lao động trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với nhiều chất độc hại nhưng vẫn không thể xử lý được”, chị Yến tâm tư.
|
Trong khi đó, bà Phạm Thị Kim Yến (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Vĩnh Long), bày tỏ lo ngại: “Đa số các vụ xâm hại trẻ em xảy ra có tính loạn luân, do người thân, người quen, láng giềng… thực hiện, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội”.
Có cùng một số nhận xét như bà Kim Yến, ông Ngô Thành Thuận (Hội Kế hoạch hóa gia đình Cần Thơ), khẳng định: “Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất cũng như tâm sinh lý của trẻ". Ông Thuận cho hay, có nhiều vụ xâm hại trẻ em tuy gia đình nạn nhân biết nhưng không tố giác tội phạm. Chỉ khi nào hai bên không tự thương lượng, giải quyết được thì mới đưa ra chính quyền, dẫn đến việc điều tra, thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, số trẻ bị xâm hại trên thực tế còn cao hơn nhiều so với những số liệu báo cáo. Đó là do một bộ phận người dân không trình báo vì sợ ảnh hưởng, tai tiếng cho con em họ, phần đông họ tự thỏa thuận đền bù với người đã xâm hại…
Hội thảo cũng đã chia nhóm thảo luận, nêu ra một số giải pháp bảo vệ trẻ, như: nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa; truyền thông, giáo dục các kỹ năng bảo vệ trẻ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng như kỹ năng tự bảo vệ bản thân của trẻ; thành lập Ban bảo vệ trẻ em ở phường xã; hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý các hành vi xâm hại, cưỡng bức, bóc lột sức lao động trẻ em. Đặc biệt, nhiều người cho rằng, các tổ chức xã hội dân sự không nên hoạt động manh mún, rời rạc như trước nay. Thay vào đó, cần phối hợp để việc can thiệp, hỗ trợ trẻ được hệ thống và hiệu quả hơn: từ hoạt động tiếp cận, nuôi dưỡng đến dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho trẻ...
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai, cho biết: Theo báo cáo điều tra mới nhất vào năm 2012 do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổng cục Thống kê, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện và mới được công bố vào tháng 3 năm nay, cả nước có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em. Trong đó, 1/3 trẻ phải làm việc trên 42 giờ/tuần và 55% không được đi học. Ông Hải thông tin thêm: Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2006 - 2011, trên cả nước phát hiện khoảng 5.600 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bình quân mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ xâm hại trẻ em, trong đó số vụ hiếp dâm chiếm 65,9%. |
Như Lịch
>> Cựu ca sĩ Gary Glitter lại bị buộc tội xâm hại tình dục
>> Cậu xâm hại tình dục cháu ruột 8 tuổi
>> Trùm truyền thông Max Clifford lãnh 8 năm tù vì xâm hại tình dục
>> Ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em
>> Cấm mặc váy ngắn để "ngăn xâm hại tình dục
>> Mỗi năm 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em
Bình luận (0)