Xâm nhập công nghệ tang lễ - Kỳ 2: Nhà tặng người chết nên có.... du thuyền

14/06/2015 07:00 GMT+7

(TNO) Khi người ta muốn tặng quà cho các cô gái (đã chết), mỹ phẩm và quần áo là thích hợp nhất. Thanh niên thì thường tặng nhau iPhone Còn với ông bà tổ tiên, người già, không gì tốt hơn nhà cửa.

(TNO) Khi người ta muốn tặng quà cho các cô gái (đã chết), mỹ phẩm và quần áo là thích hợp nhất. Thanh niên thì thường tặng nhau iPhone Còn với ông bà tổ tiên, người già, không gì tốt hơn nhà cửa.

Quan tài nạm vàng trị giá 125.000 USD từng được trưng bày tại Nirvana Memorial Centre (Malaysia) - Ảnh: Reuters
Đám tang 770.000 USD
Có lẽ không thị trường tang lễ nào béo bở cho bằng Trung Quốc, quốc gia sở hữu lượng dân số đông nhất hành tinh, lượng triệu phú đông nhì thế giới (chỉ sau Mỹ) và khao khát chứng tỏ đẳng cấp (trong mọi tình huống) cũng thuộc loại bậc nhất thiên hạ.
Trong những năm gần đây, những ông nhà giàu Trung Quốc đua nhau khoe đẳng cấp ở… đám tang. Chẳng hạn một doanh nhân ở tỉnh Chiết Giang từng móc hầu bao đến 770.000 để tiễn mẹ mình qua thế giới bên kia, huy động một dàn siêu xe cực xịn phủ hoa trắng ngần (gồm cả 8 chiếc limousine Lincoln), làm 2 dãy cột hoa cực đẹp, chế dàn đại bác như ở lễ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, lắp một loạt màn hình LED cực to ở 2 bên sân khấu để hàng ngàn người tiện theo dõi trực tiếp tang lễ như ở các cuộc biểu diễn của siêu sao nhạc pop…
Dàn hoa như đám cưới hoàng gia tại đám tang của mẹ một đại gia Chiết Giang - Ảnh: AFP
Ở một dạng tang lễ khác tại Trung Quốc, người ta tung tiền thuê các em "hot girl" ăn mặc thiếu vải hoặc có khi chẳng mặc gì uốn éo bên cỗ quan tài. Hồi tháng tư vừa qua, chính quyền tại Hà Bắc và Giang Tô đã phải can thiệp để ngăn các màn "rửa mắt" tại đám tang kiểu này.
Mọi khẩu vị đều được đáp ứng
Nói đến đám tang ở Trung Quốc không thể nào không nói tới thế giới vàng mã cực kỳ hoành tráng và cũng cực kỳ tinh xảo, xa xỉ. Thế nên ở Triển lãm và hội nghị tang lễ và nghĩa trang châu Á (AFE) hồi tháng trước tại Macau cũng không thể thiếu các công ty sản xuất vàng mã. Chẳng hạn một công ty Trung Quốc triển lãm các ngôi biệt thự, siêu xe bằng giấy cực kỳ đắt tiền ở đây.
Thế giới vàng mã chắc chắn không chỉ gồm xe và nhà. Một công ty Đài Loan tên SKEA (viết tắt của Spectacular Kind of Elysium - Thiên đường ngoạn mục) triển lãm đủ loại món ăn tây tàu trông rất bắt mắt, đảm bảo đáp ứng mọi khẩu vị của người chết, từ thịt bò bít tết, bánh cupcake đến bánh macroon đủ màu sắc - tất nhiên đều là bằng giấy.
Chỉ là những món hàng mã đơn sơ nhất - Ảnh: Reuters
Đại diện của SKEA khẳng định chắc như đinh đóng cột là có thừa khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của những người đã hết thở, cho dù họ muốn bất kỳ thứ gì trên đời này. Quả thực, catologue của SKEA trưng bày đủ dịch vụ giải trí, định cư, dinh dưỡng cho người của thế giới bên kia.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tòa nhà mang tên "biệt thự mơ ước theo kiểu Ibiza" với chiếc du thuyền hoành tráng neo ở cái hồ trong sân nhà.
Tư vấn tặng quà cho người chết
Báo Los Angeles Times dẫn lời Han Dingyu, đại diện của SKEA tại AFE tư vấn: "Khi người ta muốn tặng quà cho các cô gái, mỹ phẩm và quần áo là thích hợp nhất. Thanh niên thì thường tặng nhau iPhone. Còn với ông bà tổ tiên, người già, không gì tốt hơn nhà cửa".
Không chỉ công ty Đài Loan, Trung Quốc mới biết đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cách đây 5 năm, một trong những cái tên đình đám nhất trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ ở đảo quốc sư tử: tập đoàn Ang Chin Moh đã tung Flying Home (Quê hương bay), chuyên "bay" người chết về nhà. Lĩnh vực kinh doanh chính của họ là hỗ trợ dịch vụ liên quan đến thủ tục ở các sứ quán cũng như thủ tục hàng không cho người chết.
Dàn limousine tại đám tang nhà đại gia Trung Quốc - Ảnh: AFP
Tất nhiên, họ không thể vắng mặt tại AFE. Ở gian hàng của Flying Home, nhân viên tặng cho khách hàng các thẻ gắn vào hành lý mang logo của công ty cũng như các cuốn quảng cáo trông giống như thẻ lên máy bay với số hiệu chuyến bay là FH, điểm đến là Home (quê hương).
Grace Hung, trợ lý giám đốc tiếp thị của Flying Home hùng hồn: "Singapore cực kỳ phát triển trong đủ lĩnh vực như tài chính, kiểm toán, luật nhưng hậu sự thì không". Bà nói tiếp trong bối cảnh Singapore là điểm thu hút người nước ngoài hàng đầu châu Á, cũng là nơi nhiều người đến chữa bệnh và qua đời, Flying Home đã nhanh nhẹn đón đầu để cung cấp dịch vụ đưa người chết về quê hương của họ.
Nếu lúc sinh thời, bạn chưa kịp lên không gian...
Dịch vụ chăm sóc cư dân của thế giới bên kia không chỉ gói gọn trong bao nhiêu đó. Tại một phòng hội nghị của AFE, những người tham dự ăn mặc lịch lãm chăm chú lắng nghe doanh nhân Trung Quốc Wang Dan mới 34 tuổi diễn thuyết. Anh ta nói: "Truyền thông xã hội là loại hình kinh doanh rất quan trọng đối với chúng tôi. Khi một người qua đời, chúng ta có thể làm gì để mở rộng ký ức về người chết cho họ hàng và bạn bè của họ? Chúng ta có thể làm các đoạn video, chụp hình và đưa lên mạng".
Nhờ chi đậm, đám tang nhà đại gia Trung Quốc mới đông thế này - Ảnh: AFP
Tất nhiên, Other Shore (Bờ bên kia), công ty của Dan sẵn sàng "giúp đỡ" khách hàng "mở rộng ký ức về người chết" với giá phải chăng, theo quảng cáo của Dan. Other Shore còn "giúp đỡ" khách hàng nhiều hơn thế, chẳng hạn liên kết với một công ty ở Mỹ để phóng tro cốt của những người chết thích bay bổng lên tận không gian.
Dan kết luận: "Tôi nghĩ cấu trúc xã hội đang thay đổi kinh khủng. Những người trẻ nhìn thế giới rất khác với chúng ta. Và nếu chúng ta, những người đang hành nghề (dịch vụ tang lễ) mà không thay đổi theo, chúng ta sẽ bị tụt hậu".
Đã kinh doanh, chẳng ai muốn tụt hậu. Thế nên ngành công nghiệp hậu sự với đủ loại hình dịch vụ khó tưởng ngày càng bay xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.