Người dân chờ lâu nên đến công an hối thúc sớm vào cuộc điều tra - ảnh: Đàm Huy |
Đơn vị cho vay nói gì?
Đầu tháng 7.2011, chúng tôi trong vai người nhà của nạn nhân đến gặp một người tên là Nam (công an của xã Bình Hưng, H.Bình Chánh). Ông Nam chính là người nhận đơn tố cáo của 5 nạn nhân bị băng nhóm của Hạnh, Ngân lừa. Theo các nạn nhân, trước đó họ đã gửi đơn tố cáo với Công an xã Bình Hưng và công an có yêu cầu làm bản tường trình. Theo ông Nam, công an xã đã gửi giấy mời cho Hạnh, Ngân hẹn thứ năm (tức ngày 7.7.2011) lên làm việc. Ông Nam thừa nhận, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, ông lên H.Hóc Môn tìm nhà Hạnh nhưng không biết đường nên quay về. Cũng theo ông Nam, tính đến nay, ông đã mời người đại diện của cửa hàng Tín Phong lên làm việc nhưng cửa hàng này cho rằng không dính dáng đến chuyện lừa đảo này. Còn Công ty TNHH MTV tài chính PPF không liên quan nên công an không mời lên làm việc.
Đêm 10.7.2011, có một số người tự xưng là nhân viên của PPF gọi điện thoại cho nhiều nạn nhân đe dọa tính mạng nếu không chịu đến đóng tiền cho PPF đúng thời hạn. Ngày 11.7, các nạn nhân đã đến PPF trình bày lý do chậm trễ đóng tiền và đề nghị công ty không nên cho người gọi điện thoại đe dọa. Đại diện của PPF khẳng định, công ty chỉ làm việc vào giờ hành chính, không làm ngoài giờ, đặc biệt không cử nhân viên nào gọi điện đe dọa các nạn nhân và yêu cầu các nạn nhân làm bản tường trình để công ty xác minh xử lý. |
Thấy việc giải quyết quá chậm, các nạn nhân kéo đến cửa hàng Tín Phong (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM). Tại đây, họ gặp ông Tuấn (người đã đưa giấy tờ khống cho nạn nhân ký) và cho rằng ông Tuấn đã cấu kết với Hạnh, Ngân lừa đảo họ bằng hình thức bán xe trả góp. Các nạn nhân khẳng định, không có nhận xe từ bất cứ nhân viên nào của cửa hàng ông Tuấn và ông Tuấn yêu cầu họ ký vào hợp đồng chưa có nội dung…
Nhưng ông Tuấn phủ nhận. Khi nạn nhân yêu cầu ông đưa giấy biên nhận xe hay bất cứ thứ gì chứng minh rằng họ nhận xe từ nhân viên của cửa hàng Tín Phong thì ông Tuấn ú ớ. Các nạn nhân còn yêu cầu ông Tuấn cho xem giấy tờ chứng minh họ đã trả trước số tiền từ 9, 10, 11 triệu đồng (tiền người vay phải trả trước 20%, còn lại được PPF cho vay) nhưng ông Tuấn cũng chỉ đưa ra được một biên nhận thu tiền hơn 11 triệu đồng vào ngày 14.6.2011 của anh Bành Nhĩ Hùng. Tuy nhiên, anh Hùng khẳng định chữ ký đó không phải là của mình.
Chúng tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Loan My (phụ trách truyền thông của PPF) về vấn đề trên và được bà My cho biết, quy trình xác minh, kiểm soát cho khách hàng (KH) vay tiền mua xe trả góp được quản lý chặt chẽ, phải tuân theo nhiều quy định khắt khe. KH sau khi nộp hồ sơ xin vay hỗ trợ mua sắm (trong đó có cả mua xe trả góp) sẽ phải thông qua quy trình thẩm định của PPF. Quyết định xét duyệt cho KH vay, được thực hiện tại văn phòng chính của PPF. Trong quá trình này, KH cung cấp 3 số ĐT của vợ chồng và người thân để nhân viên của PPF gọi từ trung tâm kiểm tra chéo nên khả năng KH cung cấp thông tin không chính xác là rất khó.
Song các hợp đồng của các nạn nhân như chúng tôi đã nói, đều do người của đường dây Hạnh, Ngân đứng ra trực tiếp giao dịch với PPF và cửa hàng Tín Phong. Các nạn nhân khẳng định: chưa bao giờ nói chuyện với nhân viên PPF qua điện thoại cũng như chưa bao giờ đến PPF gặp mặt nhân viên PPF làm thủ tục, mà chỉ ghé vào cửa hàng Tín Phong ký vào một số hợp đồng khống, rồi nhận tiền vay của Hạnh, Ngân ở bên ngoài.
Tuy nhiên bà My cũng thừa nhận, rằng, thời gian qua, PPF và một số công ty có chức năng cho vay tín chấp cũng gặp không ít trường hợp lừa đảo và không thu hồi được nợ.
Đường dây lừa đảo chuyên nghiệp
Xâu chuỗi các tình tiết mà nạn nhân cung cấp, đây có thể là một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp quy mô lớn.
Từ những vụ việc cụ thể cho thấy, nếu không có sự “sơ sót” có hệ thống hoặc “giúp sức” của một ai đó trong cửa hàng Tín Phong (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) thì bọn chúng khó mà thực hiện trót lọt hàng loạt các phi vụ lừa đảo này. Điều quan trọng nữa là các chiếc xe gắn máy mua bằng hình thức trả góp do nạn nhân đứng tên đã được bọn chúng mang đi đâu tiêu thụ và tiêu thụ bằng cách nào mà người đứng tên xe không hề hay biết?
Một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM khuyến cáo: “Đây là hình thức lừa đảo mới nên người dân phải hết sức cảnh giác. Người dân có nhu cầu vay tiền bằng hình thức mua sắm, sản phẩm… thì trực tiếp đến trụ sở của đơn vị cho vay làm thủ tục để tránh bị lừa. PC45 sẽ phối hợp công an địa phương thụ lý vụ án, khẩn trương vào cuộc điều tra truy bắt đối tượng”.
Đàm Huy - Nguyễn Văn Hải
Bình luận (0)