Xăng có thể về 20.000 đồng/lít nếu bỏ thuế ?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/08/2022 19:18 GMT+7

Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng xăng dầu được giảm “đụng sàn”, bỏ thêm quỹ bình ổn giá xăng dầu , xăng bán lẻ trong nước có thể về ngưỡng 20.000 đồng/lít.

2 loại thuế chiếm gần 4.300 đồng/lít xăng

Tối 3.8, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết đã có báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, báo cáo Chính phủ để rà soát, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc biệt, Bộ này cũng nhấn mạnh “tùy tình hình thị trường” để có phương án điều chỉnh 2 sắc thuế trên thế nào. Ngoài ra, với thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính cũng cho biết đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%. Việc điểu chỉnh giảm thuế này sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

Thuế tiêu thụ đặc biệt, quỹ bình ổn giá xăng dầu, VAT... khiến giá xăng khó giảm mạnh

NGỌC DƯƠNG

Ngày 4.8, xăng RON 95-III bán lẻ tại các cây xăng khu vực TP.HCM có giá 25.600 đồng/lít, trong đó, thuế giá trị gia tăng 10% là 2.286 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% trên giá CIF) khoảng 2.000 đồng/lít. Nếu 2 sắc thuế trên được giảm/miễn, giá xăng trong nước uớc về khoảng 20.860 đồng/lít. So với thời điểm cách đây 1 năm, ngày 11.6.2021, xăng RON 95-III được điều chỉnh mức 20.164 đồng/lít. Lùi khoảng 1,5 tháng, trước thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, ảnh hưởng nặng nề cho cả nền kinh tế, xã hội, giá xăng RON 95-III chỉ ở mức 19.160 đồng/lít (tham khảo tại kỳ điều chỉnh giá ngày 27.4.2021).

Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, những “ông lớn” trong ngành xăng dầu từng báo âm quỹ trong tháng 6, nay sau 3 lần được trích quỹ về mức gần 2.750 đồng/lít trong vòng 1 tháng, từ âm hàng ngàn tỉ đồng nay chuyển dương. Cập nhật đến ngày 1.8, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) báo cáo quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp đã dương 305 tỉ đồng. Còn Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1.8 (tại kỳ này, trích đưa vào quỹ bình ổn đối với xăng 850 đồng/lít, dầu 450 đồng/lít), báo cáo cho thấy, quỹ bình ổn của doanh nghiệp còn âm gần 981 tỉ đồng. Nếu không trích quỹ bình ổn, giá xăng có cơ hội giảm nhiều hơn ở mỗi kỳ điều chỉnh.

Trễ mấy cũng không thế kéo dài cả tháng

Trong khi đó, sau hơn 1 tháng giá xăng dầu trong nước giảm và giảm liên tục 4 lần, giá cả hàng hóa, đặc biệt, cước vận tải vẫn tiếp tục ca bài ca “cần độ trễ”. Cũng tại buổi họp báo Chính phủ tối qua 3.8, đại diện Bộ GTVT cũng lý giải do khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thường thời gian đầu giá xăng giảm nhưng không giảm nhiều, nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm được.

Về vấn đề này, sáng 4.8, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho rằng, giá xăng dầu với giá hàng hóa là mối tương quan kiểu “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thuyền xuống” và xăng dầu là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ. Ông nêu quan điểm: “Đồng ý là giá xăng dầu giảm thì giá cả hàng hóa giảm sẽ có độ trễ nhưng không thể trễ kéo dài một tháng hay vài tháng, chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”.

Chuyên gia này cho rằng sự vào cuộc của cơ quan chức năng lúc này là cần thiết. Ngoài ra, cần phải làm rõ khâu nào đang đẩy giá hàng hóa lên và liệu có sự thiếu minh bạch hay không khi có thể nhà cung ứng đã giảm giá nhưng đến khâu phân phối lại chưa được giảm khiến người tiêu dùng thiệt thòi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.