Chậm trễ công bố cách tính thuế
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết sở dĩ bộ này phải đến sát "giờ G" mới phát đi công văn điều hành vì phải chờ văn bản cách tính thuế áp dụng cho quý 4/2017 của Bộ Tài chính.
Trước kỳ điều chỉnh giá chiều 5.10, ngay bản thân cơ quan điều hành là Bộ Công thương cũng thú nhận rằng họ đã kỳ vọng về một đợt giảm giá xăng sâu hơn mức đã công bố 120 đồng/lít RON 92 vừa qua và bộ này không phải dùng đến biện pháp tăng xả quỹ bình ổn thêm 20 đồng/lít xăng.
Theo nhận định của Bộ Công thương, từ sau khi xăng dầu Dung Quất được Chính phủ cho phép hoạt động theo cơ chế tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động cạnh tranh trên thị trường (từ 1.1.2017) thì sản lượng tiêu thụ của nhà máy đã tăng vọt. Khi cơ cấu nguồn cung của Dung Quất tăng lên thì cơ hội giảm thuế bình quân gia quyền cũng rõ rệt hơn, vì khi đó sản lượng nhập khẩu từ các nước có mức thuế nhập khẩu cao hơn Dung Quất (như mức thuế từ ASEAN là 20%) sẽ giảm xuống.
Điều này hoàn toàn trùng khớp nếu nhìn lại các lần điều chỉnh thuế bình quân gia quyền mà Bộ Tài chính đã hướng dẫn từ đầu năm 2017 đến nay để áp dụng vào tính giá cơ sở. Cụ thể, trong văn bản ngày 3.1.2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức tính thuế bình quân gia quyền để Bộ Công thương tính giá cơ sở trong quý 1/2017 thì thuế nhập khẩu bình quân gia quyền với mặt hàng xăng là 10,56%. Khi ấy, tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở lần lượt là 49,35% và 50,65%. Tiếp 3 tháng sau đó, trong văn bản điều hành giá xăng, Bộ Công thương cũng cho hay công văn của Bộ Tài chính ngày 4.4 hướng dẫn mức thuế bình quân gia quyền áp dụng cho quý 2/2017 với mặt hàng xăng trong tính thuế cơ sở giảm nhẹ xuống còn 10,21%. Cùng thời gian này, sản lượng xăng trong nước đã tăng lên mức 52,59% và nguồn nhập khẩu giảm xuống còn 47,41%.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thanh Niên, sản lượng xăng bán ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong quý 3 đã tăng khoảng 10% so với quý trước đó. Bộ Tài chính chưa công bố tỷ trọng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu trong quý 3, song với việc sản lượng Dung Quất tăng, cộng với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm nhẹ (từ 67,55 USD/thùng của chu kỳ trước đó về 67,04 USD/thùng của chu kỳ vừa qua) thì cơ hội để giá xăng giảm hơn mức đã công bố là khá rõ rệt.
Mập mờ cách tính thuế
Trong hai ngày 5 và 6.10, PV Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Cục Quản lý giá và lãnh đạo Bộ Tài chính nhằm tìm câu trả lời về lý do không có văn bản hướng dẫn thuế cho kỳ điều hành này, cũng như hỏi về cơ hội để xăng có thể giảm sâu hơn. Tuy nhiên, cả lãnh đạo bộ, lãnh đạo cục đều không phản hồi.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu nhìn lại toàn bộ quá trình điều hành xăng dầu từ quý 2/2016 đến nay (khi bắt đầu áp dụng thuế bình quân gia quyền vào tính giá cơ sở), thì đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính không đưa ra được công văn hướng dẫn tính thuế bình quân gia quyền để Bộ Công thương áp dụng vào tính giá.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính nắm trong tay cả cơ quan hải quan để kiểm soát số liệu, sản lượng nhập khẩu từ các thị trường lẫn cơ quan thuế song Bộ lại không kịp tính ra mức thuế bình quân gia quyền quý 3 để áp dụng cho quý 4 là chưa làm tròn trách nhiệm.
Còn ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, một lần nữa bày tỏ sự bức xúc về sự mập mờ trong cách tính thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính. "Ngay đến chúng tôi cũng không hiểu được thì nói gì người dân. Hiệp hội cũng đã nhiều lần thắc mắc song không được giải thích", ông Ruệ nói.
Bình luận (0)