Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm rạng sáng nay 12.4 (giờ Việt Nam), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex lùi 1,04 USD (tương đương 1,6%) xuống 63,58 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 95 xu (tương đương 1,3%) còn 70,78 USD/thùng.
Dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy giá dầu WTI đã chạm mức 64,61 USD/thùng trong phiên ngày 10.4 trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 10.2018. Như vậy sau khi chạm đỉnh 5 tháng, giá xăng dầu đã quay đầu đi xuống khi sức bán gia tăng.
Dù vậy, tính tới thời điểm này, các hợp đồng dầu Brent và WTI tương lai đã tăng tương ứng khoảng 30% và 40% kể từ đầu năm nay.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tổng sản lượng dầu thô tại Mỹ hầu như không thay đổi ở mức 12,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Nhưng trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố ngày 9.4, cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2019 và 2020. Đồng thời, cơ quan này cũng nâng triển vọng giá dầu WTI thêm 4,8% lên 58,80 USD/thùng, còn dầu Brent tăng 3,8% lên 65,15 USD/thùng.
Còn thông tin từ CNBC cho biết, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giữ nguyên ước tính về tăng trưởng nhu cầu dầu trên thế giới ở mức 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Dù vậy hôm qua 11.4, báo cáo từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy sản lượng của tổ chức này trong tháng 3 giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 3, chạm mức đáy 4 năm khi Ả Rập Xê Út tiếp tục giảm sản lượng và hoạt động sản xuất của Venezuela tụt dốc giữa lúc đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế.
IEA cũng đưa ra cảnh báo rằng hàng loạt quan điểm “bất thường” về tình hình sức khỏe của nền kinh tế sẽ gây khó khăn tới việc dự báo giá dầu.
Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trước đó đã khiến cho giá sản phẩm này tại Việt Nam đồng loạt tăng mạnh vào đầu tháng 4 vừa qua dù đã được xả quỹ bình ổn. Các loại xăng dầu trong nước đã đội thêm gần 1.100 đồng – gần 1.500 đồng/lít.
Bình luận (0)