Xăng máy bay VN bị chê?

12/08/2010 23:17 GMT+7

Việc Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã sản xuất được xăng máy bay Jet A1 là tin vui. Tuy nhiên, thông tin loại xăng này không được sử dụng trong nước mà lại "xuất ngoại" khiến dư luận cảm thấy khó hiểu và bức xúc.

Trong nước thận trọng...

"Vinapco rất muốn tiêu thụ xăng máy bay của VN" - đó là khẳng định của ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco) trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên Báo Thanh Niên vào chiều hôm qua. Theo ông Trần Hữu Phúc, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất đã được ký kết. Việc này đã được chuẩn bị từ năm 2008 và trong thời gian qua, Vinapco với tư cách là nhà cung ứng nhiên liệu cho các hãng hàng không tại VN và PV Oil (Tổng công ty dầu VN) là đại diện nhà tiêu thụ sản phẩm đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm xăng Jet A1 của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được hợp đồng.

* Vì sao vậy, thưa ông?

- Việc này có một số đòi hỏi thuộc về đặc thù của ngành. Không chỉ riêng về nhiên liệu hàng không, mà tất cả các hóa chất, vật tư, phụ tùng máy bay liên quan đến hàng không dân dụng, phải được cơ quan quản lý nhà nước về hàng không phê chuẩn đủ tư cách của nhà cung ứng, trước khi đưa vào tiêu thụ. Có nghĩa là phải có cơ sở pháp lý về kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng. Việc này hiện đang được tiến hành nhưng chưa hoàn tất. Cơ quan quản lý nhà nước là Cục Hàng không dân dụng VN đã ủy quyền cho Vietnam Airlines (VNA) xem xét và phê chuẩn tư cách tiêu chuẩn nhà cung ứng. Trong việc này, Vinapco chỉ là đơn vị phối hợp, giúp PV Oil thực hiện và 2 đơn vị đã có những cuộc họp, làm việc với Cục Hàng không dân dụng VN, với VNA để triển khai công việc và sau những buổi làm việc đó, chúng tôi đã đệ trình hồ sơ lên rồi. Trách nhiệm làm thế nào để VNA an tâm mà phê chuẩn là của PV Oil. Vì đây là lần đầu tiên VN sản xuất sản phẩm xăng máy bay, cho nên người phê chuẩn cũng có thận trọng. Một trong những yêu cầu hàng đầu trong hàng không là an toàn bay, cho nên chúng ta cũng phải chia sẻ sự cân nhắc của VNA trong việc này. Tôi thấy sự thận trọng của VNA là cần thiết.

Vinapco hiện chủ yếu nhập khẩu nhiên liệu hàng không Jet A1 từ các NMLD trong khu vực châu Á, đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6426 và Yêu cầu chất lượng nhiên liệu hàng không dùng cho hệ thống hoạt động chung (AFQRJOS) do Tổ chức quốc tế JIG ban hành. Tiêu chuẩn này là tổng hợp của hai tiêu chuẩn sau:

a/ Tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng Anh DEF STAN 91-91: Nhiên liệu tuốc bin hàng không gốc Kerosine loại JET A1 phát hành mới nhất.

b/ Tiêu chuẩn ASTM D1655-06d: Nhiên liệu tuốc-bin hàng không loại JET A1, phát hành mới nhất.

* Vinapco có dự định khi nào sẽ tiêu thụ sản phẩm xăng Jet A1 của VN, thưa ông?

- Trong kế hoạch năm 2010 của Vinapco, đáng lẽ đã tiêu thụ sản phẩm xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất, đồng thời cắt giảm sản lượng xăng nhập khẩu. Nhưng giờ hỏi đến khi nào tiêu thụ được thì chưa thể trả lời, bởi vì còn phụ thuộc vào sự phê chuẩn của VNA. Nếu được phê chuẩn thì lập tức Vinapco sẽ đưa vào tiêu thụ ngay. Bây giờ trách nhiệm của PV Oil là làm thế nào để được phê chuẩn, được cấp chứng chỉ nhà cung ứng. Xăng máy bay Jet A1 theo thông báo của NMLD Dung Quất, sản lượng đáp ứng chưa được 50% nhu cầu trong nước. Và, theo hợp đồng đã ký, sản lượng bao nhiêu chúng tôi sẽ tiêu thụ hết bấy nhiêu. Việc tiêu thụ sản phẩm xăng máy bay của VN là có lợi cho Vinapco, vì những nhà nhập khẩu như chúng tôi hiện nay đang rất khó khăn về ngoại tệ. Việc vận chuyển cũng thuận lợi. Nói chung là mọi việc sẽ tốt hơn so với nhập khẩu. Vinapco rất muốn được tiêu thụ sản phẩm xăng máy bay trong nước và sẽ làm hết sức mình để khẩn trương đưa sản phẩm này sớm được tiêu thụ trong nước.

Xăng máy bay tự tin "xuất ngoại"

Trong khi VNA chưa "an tâm" về chất lượng xăng Jet A1 "nội" thì xăng này đã tự tin "xuất ngoại". Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc PV Oil cho biết, đã bán xăng Jet A1 cho hãng BP Singapore vì hãng này sẵn sàng mua để phục vụ cho dịch vụ hàng không, cụ thể là dùng làm nhiên liệu xăng máy bay cho các chuyến bay quốc tế. Về giá cả, PV Oil bán xăng Jet A1 theo đúng giá thị trường, tương đương với giá xăng máy bay của thế giới. Trả lời câu hỏi về chất lượng xăng máy bay sản xuất tại NMLD Dung Quất, ông Lê Xuân Trình cho rằng qua kiểm định tại nhà máy đã cho thấy chất lượng xăng máy bay của NMLD Dung Quất đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

“Các doanh nghiệp trong nước mua xăng Jet A1 của chúng tôi thì sẽ có lợi hơn rất nhiều vì họ không cần phải trả bằng ngoại tệ mà chỉ trả bằng tiền đồng VN. Vì vậy, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung sẽ giảm đáng kể việc chịu sức ép về ngoại tệ, cụ thể là đồng USD”, ông Trình giải thích. Một lợi thế nữa, theo đại diện PV Oil thì các doanh nghiệp trong nước mua xăng máy bay của NMLD Dung Quất sẽ được chủ động trong việc vận chuyển, ít tốn chi phí nhập khẩu, kho cảng... so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Giải thích về sự "chần chừ" của Vinapco, đại diện PV Oil giải thích: “Thực ra hiện Vinapco đã ký hợp đồng nguyên tắc với chúng tôi về việc mua xăng máy bay. Thế nhưng, do họ chưa tự tin để lấy hàng nên còn chờ một số điều kiện khác thì mới vào cuộc. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào rồi nên chúng tôi khẳng định Vinapco sẽ sớm vào cuộc thôi”.

Theo điều tra của PV Oil, nếu chỉ tính các chuyến bay nội địa thì xăng máy bay của NMLD Dung Quất có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu. “Chúng tôi đã sẵn sàng, VNA cần lúc nào thì chúng tôi có ngay lúc đó”, ông Trình tự tin.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty xăng dầu hàng không VN (Vinapco): Chần chừ không phải vì thuế nhập khẩu xăng giảm

Vừa qua, chúng tôi cũng có nghe được thông tin cho rằng, vì Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 59/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng, theo đó thuế nhập khẩu xăng (trong đó có xăng máy bay) sẽ giảm từ mức 20% xuống còn 17%, nên Vinapco chần chừ mua xăng Jet A1 từ PV Oil, thay vào đó vẫn nhập khẩu từ nước ngoài. Chúng tôi khẳng định là không có chuyện đó!

Xét về lợi thế thương mại, hai đối tác trong nước cùng thấy được cơ hội hợp tác kinh doanh với nhau, nên đó là lợi thế mà đôi bên đều có thể tận dụng. Bản thân chúng tôi cũng đã đàm phán với đối tác để có thể mua với mức giá ngang bằng giá trên thị trường thế giới. Như vậy, PV Oil không thiệt thòi về giá trị của lô hàng bán ra, mặt khác, chúng tôi được hỗ trợ từ việc PV Oil có thể chấp nhận cho thanh toán bằng tiền đồng VN, tránh những áp lực rủi ro khi phải thanh toán bằng ngoại tệ mà đồng thời cũng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Ông Phan Anh Vân - Viện trưởng Viện Khoa học hàng không VN: “Mua xăng nào phải căn cứ vào máy bay!”

Hiện tại, ở VN vẫn chưa có dự án nghiên cứu sâu về nhiên liệu bay. Ở góc độ cá nhân, với tư cách là một nhà khoa học, phải khẳng định thế này: Nhiên liệu máy bay phản lực về mặt thương mại được phân loại như là Jet A1 (sử dụng chủ yếu), Jet A (chỉ ở Mỹ) và Jet B (sử dụng trong vùng có khí hậu lạnh).

Nhiều động cơ máy bay của hàng không dân dụng được thiết kế để hoạt động với chỉ số ốc-tan 80/87, xấp xỉ bằng tiêu chuẩn cho ô tô ngày nay. Việc chuyển đổi trực tiếp sang hoạt động bằng nhiên liệu ô tô là tương đối phổ biến và được áp dụng thông qua quy trình chứng nhận bổ sung dạng (STC). Nói một cách nôm na là mua xăng máy bay đôi khi còn phải căn cứ vào việc sử dụng loại máy bay nào, cho vùng địa hình, khí hậu nào. Trước nay, nhiên liệu bay của chúng ta đều phải nhập khẩu hoàn toàn, cho nên việc VN sản xuất được xăng Jet A1 là quá tốt.

Thành Lương (ghi)

Ý kiến

Mới đây ngành điện đi mua điện từ nước ngoài, nay lại đến xăng máy bay. Giá thành cao hơn chăng? Hoàn toàn không phải, vì theo ông Nguyễn Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn thì giá rẻ hơn vì phí vận chuyển thấp. Chất lượng không đạt? Rõ ràng cũng không phải vì theo ông Giang, Singapore đã nhập xăng máy bay của chúng ta và đưa vào sử dụng ngay, mà còn sử dụng vào đường bay quốc tế nữa, như vậy có nghĩa là chất lượng rất đảm bảo. Thế thì tại sao chúng ta không sử dụng xăng trong nước, vừa rẻ lại vừa kích cầu nền kinh tế.

Kim Ngân (Dĩ An, Bình Dương)

Đọc bài báo mà thấy buồn và bức xúc cho tư duy cũng như cách làm kinh tế của đất nước. Với người dân thì Nhà nước luôn hô hào "người Việt dùng hàng Việt" trong khi ở các ngành công nghiệp lớn thì hàng trong nước rẻ, tốt hơn hàng nhập thì lại... làm ngơ, vẫn ung dung nhập hàng để sử dụng. Chẳng lẽ các cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư không thấy được nghịch lý này?

Vinh Hiển (Q.6, TP.HCM)

Ban CTBĐ tổng hợp

Mai Vọng - N.Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.