Xanh hóa nóc nhà

02/03/2015 08:26 GMT+7

Trước thực trạng diện tích cây xanh của các đô thị quá ít ỏi, nhiều kiến trúc sư đã kêu gọi người dân, doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản và đặc biệt là những nhà quản lý thực hiện chiến lược xanh hóa nóc nhà ở các đô thị.

Trước thực trạng diện tích cây xanh của các đô thị quá ít ỏi, nhiều kiến trúc sư đã kêu gọi người dân, doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản và đặc biệt là những nhà quản lý thực hiện chiến lược xanh hóa nóc nhà ở các đô thị.

Màu xanh của mái khách sạn Marriott đối lập hẳn với những ngôi nhà mái tôn, ngói xung quanh Màu xanh của mái khách sạn Marriott đối lập hẳn với những ngôi nhà mái tôn, ngói xung quanh - Ảnh: Lê Quân

Theo chỉ số Thành phố xanh châu Á của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế, diện tích cây xanh trên đầu người tại VN rất thấp. Đơn cử Hà Nội chỉ 1 m2 cây xanh/người, TP.HCM còn thấp hơn khi chỉ đạt 0,7 m2 cây xanh/người. Trong khi đó, chỉ số tương tự ở Hồng Kông là 105,3 m2/người; Singapore là 60 m2/người; Kuala Lumpur 43,9 m2/người...

Mảng xanh teo tóp

Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu đất cây xanh đô thị là 10 - 15 m2/người, trong đó khu vực nội thành cũ 4 m2/người, khu vực nội thành mới và các đô thị ngoại thành 17 m2/người. Chỉ số hiện hữu và chỉ tiêu tới năm 2020 của TP.HCM nói riêng và VN nói chung đều thể hiện diện tích cây xanh trên đầu người ở VN thấp hơn quá nhiều so với các nước trong khu vực.

Thi nhau xà xẻo mảng xanh

Ghi nhận của Thanh Niên tại TP.HCM cho thấy diện tích cây xanh tại các công viên, tuyến đường đang dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án hạ tầng, dịch vụ. Điển hình như tại công viên 23.9 hiện nay đã bị cắt một phần rất lớn làm bãi đậu xe buýt, làm nhà hát giao hưởng và dự án bất động sản. Các công viên Lê Thị Riêng, Phú Lâm bị biến thành nhà hàng tiệc cưới, khu vui chơi giải trí. Hay công viên Gia Định bị lấy đất để làm đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài. Con đường Tôn Đức Thắng là đường duy nhất tại TP.HCM có 4 hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cũng gần bị đốn hạ để làm cầu. Trên đường Nguyễn Huệ, toàn bộ cây cổ thụ bị “triệt hạ” để trồng cây mới...

Không những thế, các mảng xanh khiêm tốn trên vẫn đang bị xà xẻo. Hiện 12 quận nội thành của TP.HCM có 109 công viên, vườn hoa (lớn, trung bình, nhỏ) với tổng diện tích khoảng 250 ha (chưa thống kê các công viên thuộc 5 quận mới và các huyện ngoại thành). Trong đó, chỉ một số công viên lớn cây xanh đã được trồng từ cách nay mấy chục năm như: công viên 23.9, Lê Văn Tám, Tao Đàn (Q.1); Lê Thị Riêng (Q.10); Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình); Gia Định (Q.Tân Bình) và công viên Phú Lâm (Q.6).

Theo thông tin từ Công ty công viên cây xanh TP, hệ thống công viên phân bố không đều trên địa bàn TP, chủ yếu tập trung trên địa bàn Q.1 do được đầu tư từ trước đây. Các quận, huyện khác quỹ đất hạn chế nên khó phát triển công viên. Một chuyên gia về quy hoạch nhận xét các quận, huyện ngoại thành hiện nay đang chỉnh trang, phát triển, quỹ đất còn rất nhiều như Thủ Đức, 9, 12, Nhà Bè, Bình Chánh… lại không chú trọng làm mà chỉ chăm chăm giao cho doanh nghiệp làm dự án bất động sản.

Theo quy định, các dự án bất động sản phải dành 2% quỹ đất để làm công viên nhưng thực tế rất ít chủ đầu tư chịu bỏ tiền đầu tư hạng mục này. Ví dụ, khu đô thị An Phú - An Khánh (Q.2) theo quy hoạch có công viên rộng 7 ha, và đến nay khu đô thị này đã gần như hoàn thiện, nhưng khu công viên vẫn là bãi đất hoang...

Cần luật hóa kiến trúc xanh

Trong điều kiện quỹ đất, nhất là ở nội thành không có để làm công viên tập trung, nhiều kiến trúc sư (KTS) đều cho rằng nên trồng cây trên mái nhà, trên tường để tạo mảng xanh cho đô thị.

KTS Mai Thế Nguyên, một Việt kiều Na Uy đang sống tại Hà Nội, cho biết mới đây chính phủ nước này đã ra quyết định 50% mái nhà của một khu trung tâm TP.Oslo sẽ có mái nhà xanh trồng cỏ. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Tại Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển… mục tiêu đến năm 2015 phải có 325.000 m2 mái nhà xanh. Một số nước châu Á như Singapore, Malaysia... cũng đã có chính sách phát triển “mái nhà xanh”. “Phong trào này đang trở thành một cuộc cách mạng tại các TP và lan rộng ra khắp thế giới. Người ta trồng cỏ, cây, rau, thậm chí cây ăn trái trên nóc nhà. Điều này giúp hỗ trợ một phần lớn cho hệ thống cống rãnh thoát nước mưa của TP. Những mái nhà này giữ lại một khối lượng lớn nước mưa (tới 50%) và làm tránh khỏi ngập lụt khi mưa to; Làm sạch không khí khi cây cỏ trên mái nhà biến CO2 thành dưỡng khí và còn giữ lại bụi bẩn; Giúp cách nhiệt khi trời nóng rất hiệu quả và khi lạnh bớt phải sưởi; Có thể trở thành những không gian thư giãn trong khi TP đang thiếu không gian xanh; Sẽ làm giàu thêm môi trường sinh vật...”, KTS Nguyên phân tích.

Nếu bắt tay thực hiện quy định mái xanh từ bây giờ, chỉ khoảng 3 năm nữa bộ mặt đô thị Hà Nội và TP.HCM nhìn từ trên cao hay trực diện sẽ rất xanh, rất đẹp. Tôi hy vọng sẽ có nhiều ngôi nhà xanh hơn để khi ghép lại có thể thành cả một thành phố xanh

KTS Võ Trọng Nghĩa

Đồng quan điểm trên, KTS Võ Trọng Nghĩa - người đã đoạt hàng loạt giải thưởng kiến trúc xanh của thế giới, cũng cho rằng hiện nay thế giới có 7 tỉ người sinh sống, việc phục vụ cho những nhu cầu cơ bản hằng ngày đang dần làm cạn kiệt đi những tài nguyên thiên nhiên, phá hủy môi trường sống. Tại VN, những TP lớn đang đối diện với một cuộc sống ngột ngạt. Tổng diện tích cây xanh tính trên đầu người ở Hà Nội chỉ khoảng 1 m2 là mức quá thấp so với các đô thị lớn trên thế giới bình quân là 39 m2.

Người dân Hà Nội phải sống trong một đô thị “lổn nhổn” những mái tôn, không có chỗ vui chơi cho trẻ em. Hay TP.HCM, những trận lụt do triều cường dâng cao, mưa đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Vì vậy, đã đến lúc phải luật hóa thì mới mong kiến trúc xanh có thể phát triển trong tương lai. “Anh cứ lấy đi 100 m2 đất để làm nhà thì phải có trách nhiệm trồng lại 100 m2 cây xanh quanh nhà. Cần phải có quy định xây nhà thì phải làm mái xanh. Làm sao trong vài năm tới nhân rộng mô hình kiến trúc xanh đi khắp nơi”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, cần có quy định chỉ cấp phép xây mới hoặc cải tạo cho những ngôi nhà có “mái xanh”. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo quy định thì không cấp phép xây dựng, không hoàn công. “Nếu bắt tay thực hiện quy định mái xanh từ bây giờ, chỉ khoảng 3 năm nữa bộ mặt đô thị Hà Nội và TP.HCM nhìn từ trên cao hay trực diện sẽ rất xanh, rất đẹp. Tôi hy vọng sẽ có nhiều ngôi nhà xanh hơn để khi ghép lại có thể thành cả một TP xanh”, ông Nghĩa đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.