Ngày mùa chộn rộn, tiếng người cười nói, gọi nhau í ới lẫn vào mùa màng rơm rạ xạc xào, ai cũng muốn tranh thủ thời gian cướp chút mặt trời đưa nắng lên cao, đem được cả lúa và rơm vừa tuốt ra phơi. Giữa nắng chang chang, lúa phơi ngoài sân thì cày ngang bừa dọc cho khô khén giòn tan; rơm thì lấy chiếc càng xêu lật đi lật lại, tung hê từng mảng nhỏ giữa ngọn gió đất trời đồng bãi hay bên sườn đê cho cọng rơm cọng rạ được nắng, đượm màu vàng óng, để có mùa rơm thơm mà vẫn giữ màu tươi nguyên.
Gặp phải những ngày ít nắng, việc phơi thóc, phơi rơm rạ là nỗi cực nhọc không gì tả nổi. Cứ gánh thóc, rơm rạ ra phơi mà trời lại sập sùi sắp nổi giông gió đổ mưa xuống thì không biết đến mấy ngày mới được một mẻ rơm, mẻ lúa. Thậm chí có khi lúa thì mọc mầm phải đưa đem sấy, rơm thối rữa ra mà không kịp làm gì đành bỏ làm phân, trâu bò nhịn đói, người nhịn đun nấu suốt cả một mùa sau.
Mùa xây rơm, nhà ai cũng chuẩn bị một cọc nò, thường làm bằng những cây tre đực già rắn chắc, có khi hai, ba cây chụm lại. Cọc được chôn chắc chắn, rơm thơm phơi khô được đánh đống, dùng vòi tre non chẻ đôi phơi nắng cho thật dẻo rồi bó gọn lại thành từng bó, đem về rải đều xung quanh cọc nò, giẫm lên nén chặt xuống quanh cọc nò.
Ngày xưa, các cụ quan niệm người đứng lên đón và lèn chặt rơm rạ vào cọc nò phải là đàn ông trai tráng, chịu được sức nóng, nhanh nhẹn, rải đều, giẫm chặt vào gốc nò mà không bị xô lệch, để cây rơm được cân đối và đứng vững chãi quanh năm, chống chọi được bão gió. Ngay cả khi rút xuống để dùng dần từ dưới lên trên, càng cuối mùa rơm càng lên cao, chỉ còn trơ lại cọc nò vậy mà rơm không hề tụt xuống, không đổ, gãy, đàn gà tài giỏi mấy cũng không đào bới được.
Tiếng là phụ phẩm nhưng rơm thật cần thiết với nông dân. Người quê vẫn dùng rơm rạ để cho trâu bò ăn và làm chất đốt, nấu nướng hằng ngày. Việc nấu nướng cũng hết sức dè sẻn bởi rơm khô còn là nguồn thức ăn chính, vật dụng ủ ấm cho trâu bò trong suốt cả năm, nhất là vào những tháng mùa đông giá rét, cỏ và thức ăn khan hiếm. Mỗi lần cho trâu bò ăn hoặc đun nấu, lại rút xuống một ôm đủ dùng. Trước đây, ngày mùa cứ nhà nào có cây rơm to trước ngõ là thấy sự no đủ, sung túc, “nhà ngói, cây mít, đống rơm to”, dân gian đã đúc kết như vậy.
Làng quê giờ đang trong đà đô thị hóa, ngõ quê chỉ thấp thoáng vài bóng cây rơm lẻ loi, cô quạnh. Nơi góc sân tôi thường chơi trốn tìm ngày xưa giờ không còn cây rơm nữa, triền đê cũng vắng những đàn trâu bởi ruộng đất ít dần, vả lại người ta dùng trâu máy cả rồi.
Nguyễn Minh Đức
>> Xe chở rơm cồng kềnh
>> Cây rơm di động
Bình luận (0)