Xấu hổ!

05/07/2012 03:26 GMT+7

Một doanh nhân Việt kiều kể, đã 10 năm về VN sinh sống và làm ăn, ông vẫn chưa một lần dám tự lái xe ra đường. Hồi mới về nước, trong vòng 7 tháng, ông sa thải 4 nhân viên lái xe vì “họ đi lấn làn, vượt ẩu trên đường phố hỗn loạn một cách đáng sợ”.

Nhưng giờ thì ông đã quen với cảnh lộn xộn trong giao thông đô thị, cảnh người ta có thể thản nhiên đi vào đường một chiều, vượt đèn đỏ bất kể khi nào vắng bóng CSGT, cũng giống như đa phần người VN lâu nay chấp nhận những hành vi vi phạm pháp luật giao thông như một việc bình thường.

Nhưng đoạn phim về một người nước ngoài đứng sau biển báo đường một chiều tại nút giao thông Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông (Hà Nội) ngăn các xe máy đi ngược chiều được lưu truyền trên mạng mấy ngày nay chắc hẳn đã khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ. Chỉ mấy phút, hàng chục xe máy đã bị vị khách nước ngoài này chặn đầu và nhắc nhở, nhiều người đã quay đầu xe và đi đúng làn đường, nhưng cũng không ít người bất chấp, cố tình phóng xe qua.

Đoạn giao cắt góc hồ Thiền Quang, trước cửa Công viên Thống Nhất ấy là một con đường thắt nút hình phễu, để đi vào tuyến đường 2 chiều, các phương tiện phải qua đoạn phễu 1 chiều dài khoảng 10 m (nếu không sẽ phải đi vòng khoảng 500 m). Hầu hết người điều khiển xe máy đều bỏ qua biển cấm xe ngược chiều để vượt qua 10 m ngược chiều. Không ít các va chạm, cãi cọ đã xảy ra ở đoạn đường này, nhưng có lẽ chả mấy ai quan tâm, ngoại trừ ông Tây trong đoạn phim kể trên.

Nếu nói giao thông là bộ mặt đô thị, thì chúng ta đang có một bộ mặt thật đáng xấu hổ. Ở ta chẳng thiếu gì những chuyện kiểu như xe điên húc đổ nhà dân, hay xe máy vượt đèn đỏ gây tai nạn cho người đi bộ. Phân làn đường trở thành trò đùa khi ai cũng làm ngơ mỗi khi đường sá quá đông đúc. Người đi bộ tự cho mình quyền băng qua đường ở đâu cũng được, người đi xe đạp, xe máy nghĩ rằng vượt đèn đỏ vài giây hay đi ngược chiều một đoạn thì không có vấn đề gì, còn lái xe ô tô thì tư duy chẳng khác gì lái một chiếc xe máy bốn bánh cồng kềnh.

Không phải áp lực của lưu lượng xe, sự bất cập của phân làn, phân luồng hay hạ tầng giao thông mà chính ý thức kém mới là nguyên nhân hàng đầu của các vụ tai nạn giao thông, khi mà có tới 80% số vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện say xỉn, 16% là do đi quá tốc độ, sai làn đường.

Trong cuộc họp sơ kết về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2012, Phó thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ trăn trở về con số hơn 27 người chết và 111 người bị thương vì tai nạn giao thông mỗi ngày. Theo ông, nếu nâng cao hơn ý thức chấp hành giao thông của người dân thì với điều kiện hạ tầng như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được số người chết và bị thương.

Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, ý thức giao thông tốt hay xấu là do tác động trực tiếp bởi rất nhiều yếu tố như: giáo dục luật giao thông; kiểm tra việc thi hành luật và chế tài; tính khoa học và việc triển khai áp dụng luật giao thông; hạ tầng giao thông; sự làm gương của người lớn… Nếu như cơ quan quản lý giao thông phân tích tỉ mỉ từng yếu tố đó thì sẽ tìm ra được cách hiệu quả giúp người dân khắc phục tình trạng “ý thức kém” hiện nay. Không thể đòi hỏi tự mỗi người dân “nâng cao ý thức” khi mà việc giáo dục luật còn hời hợt, chế tài không nghiêm, phương tiện vi phạm giao thông có thể dễ dàng giải quyết bằng “phong bì” hoặc “gọi điện cho người thân”!

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.