Xây bệnh viện quên làm đường vào

14/08/2016 07:25 GMT+7

Chuyện kỳ lạ ở TP.HCM là cuối năm nay khánh thành đưa vào sử dụng Bệnh viện Nhi đồng TP nhưng phải đến giữa năm sau các con đường dẫn vào bệnh viện này mới hoàn thành!

Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM khởi công ngày 6.12.2014, trên địa bàn thuộc xã Tân Kiên và Tân Nhật (H.Bình Chánh), có quy mô 1.000 giường, tổng diện tích sàn xây dựng gần 93.200 m2, kinh phí dự kiến 4.500 tỉ đồng (thực tế thi công khoảng 4.200 tỉ đồng). Ban đầu dự kiến tiến độ xây dựng BV trong vòng 18 tháng.
Phải triển khai đồng bộ, chứ làm xong BV thì đường đâu đưa bệnh nhân vào. BV này làm từ năm 2014 mà đến nay đường chưa làm. Không hiểu mấy ông phối hợp kiểu gì
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Tuy nhiên đến sáng 13.8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo sở ngành đã phải thị sát và làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ.
“Không hiểu mấy ông phối hợp kiểu gì”
Tại cuộc làm việc, ông Lê Dũng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1), cho hay điều nhà thầu lo lắng là giao thông kết nối các tuyến đường từ nút giao thông Tân Tạo - Chợ Đệm đi vào BV.
Ông Dũng kiến nghị Sở GTVT mở rộng, làm mới 2 con đường bao quanh BV đủ điều kiện để xe cứu thương chạy vào. Dù đã có kiến nghị làm đường từ giữa năm 2015 nhưng ông Dũng cũng thừa nhận “việc chậm trễ làm đường có trách nhiệm từ CC1” và kiến nghị đẩy nhanh tiến độ làm cầu vượt từ đường Tân Tạo - Chợ Đệm chạy vào BV.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói ngay: “Phải triển khai đồng bộ, chứ làm xong BV thì đường đâu đưa bệnh nhân vào. BV này làm từ năm 2014 mà đến nay đường chưa làm. Không hiểu mấy ông phối hợp kiểu gì”, và yêu cầu Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Tám sớm có phương án.
Đáp lại, ông Tám cho biết hôm 10.8, Sở KH-ĐT đã trình kiến nghị làm đường của CC1 lên UBND TP phê duyệt. “Nếu quyết liệt làm từ bây giờ thì phải đến giữa năm 2017, giao thông ở đây mới hoàn thành vì phải thông qua nhiều thủ tục. Tuần tới Sở GTVT sẽ đi khảo sát để đưa ra phương án”. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói thẳng sự tính toán thiếu khoa học gây ra chậm trễ này sẽ rất lãng phí.
Đường đất chạy vào cổng chính BV
Đường đất chạy vào cổng chính BV

Về kiến nghị kết nối các tuyến giao thông và mở các tuyến xe buýt từ các nơi chạy qua BV, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu than phiền cũng rất chậm. Theo bà Thu, không phải đợi đến khi khánh thành BV mới mở tuyến xe buýt mà phải mở ngay trong tháng 9.2016 để người dân quen và dễ đi lại khi khám chữa bệnh.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Dũng cho biết hiện có hai con đường bao quanh BV là đường song hành Tân Tạo - Chợ Đệm chạy vào cổng dành cho xe cứu thương và đường kênh 10 chạy vào cổng chính BV. Dự kiến sẽ mở rộng hai đường này 25 - 30 m với kinh phí gần 400 tỉ đồng bao gồm cả làm cầu vượt.
BV vẫn đang nằm giữa đồng ruộng
BV vẫn đang nằm giữa đồng ruộng

Trong khi đó, thực tế hai con đường này rất nhỏ hẹp, lởm chởm đất đá, bụi bặm. Đáng chú ý là đường kênh 10 dẫn vào cổng chính BV đang là đường đất rộng chỉ chừng 3 - 4 m.
Làm chậm nhưng cứ đòi ứng tiền
Báo cáo tiến độ dự án, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay đến nay tiến độ thi công phần thô của công trình chính đạt 100%, hoàn thiện đạt trên 60%, dự kiến hoàn thành vào ngày 30.9.2016. Hạng mục khu lây nhiễm hoàn thành 100% khối lượng phần thô, dự kiến ngày 30.8 hoàn thành… Dự kiến đến ngày 30.9 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị xây lắp và một phần trang thiết bị.
Về trang thiết bị y tế, dự án có 14 gói thầu, hiện Bộ Y tế đã phê duyệt 13 gói thầu. Riêng gói thầu hệ thống khí sạch và nội thất phòng mổ đã trình Bộ Y tế và Bộ Xây dựng.
Về nhân sự, hiện BV đã có 637 người, trong đó có 23 bác sĩ, 5 dược sĩ, 150 cử nhân điều dưỡng và 252 điều dưỡng trung cấp. Ban giám đốc BV có 4 người và giám đốc là bác sĩ Trương Quang Định.

Ông Bỉnh cho biết theo hợp đồng ký kết với tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), công trình sẽ được hoàn thành vào ngày 6.6.2016. Tuy nhiên nhà thầu CC1 xin gia hạn đến ngày 30.12.2016.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV CC1 Lê Dũng lý giải công trình chậm là do việc lập dự toán, đơn giá thiết bị kéo dài, từ đó chậm thanh toán cho nhà thầu. Đến nay nhà thầu đã chi khoảng 1.700 tỉ đồng để thi công và đã nhận từ chủ đầu tư 991 tỉ đồng. Ông Dũng kiến nghị UBND TP tạm ứng tiếp 25 - 30% (khoảng 500 tỉ đồng) ngoài phần tạm ứng 45% (hơn 900 tỉ đồng) trước đó.
Tuy nhiên, phần kiến nghị của ông Dũng đã “làm nóng” buổi làm việc. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ cho phép tạm ứng không quá 50% giá trị công trình, trước mắt cho tạm ứng thêm 5% (khoảng 100 tỉ đồng), 20% còn lại sẽ xem xét theo quy định.
Bà Thu yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và ban giám đốc BV phải nhanh chóng rà soát, “thiếu gì là bổ sung ngay”. Riêng phần đấu thầu thiết bị y tế, bà Thu yêu cầu tiêu chí đấu thầu phải mở và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia. “Vừa rồi có hai gói thầu có tiêu chí mở đã làm lợi cho ngân sách hơn 10 tỉ đồng so với giá trần, chất lượng của thiết bị cũng tốt hơn. Phải tránh tình trạng sau khi đấu thầu xảy ra khiếu kiện”, bà Thu nói.
Đường vào cổng BV dành cho xe cứu thương nhỏ hẹp, xuống cấp
Đường vào cổng BV dành cho xe cứu thương nhỏ hẹp, xuống cấp
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu CC1 phải đảm bảo tiến độ hoàn thành theo đúng cam kết vào ngày 30.9.2016, bởi “dự án đã chậm tiến độ một lần rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.