Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Bước qua lời nguyền 'rừng ma'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
12/04/2023 05:54 GMT+7

Đồng bào Vân Kiều ở xã Linh Trường (H.Gio Linh, Quảng Trị) lần đầu tiên phá lệ, bước qua lời nguyền, chấp nhận di dời những ngôi mộ cổ trong 'rừng ma' để nhường đất cho đại dự án quốc gia.

LỜI NGUYỀN VỀ "RỪNG MA"

"Rừng ma", nơi chôn cất người chết, là lãnh địa bất khả xâm phạm đối với đồng bào Vân Kiều ở miền núi Quảng Trị. Họ thậm chí đánh đổi cả sinh mạng để giữ và đặt ra nhiều hình phạt khủng khiếp cho những ai dám đụng đến khu rừng cấm.

Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Bước qua lời nguyền 'rừng ma' - Ảnh 1.

Thâm u “rừng ma” của người Vân Kiều

NGUYỄN PHÚC

Ông Hồ Văn Ngãi, 71 tuổi, một người Vân Kiều có uy tín ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường, cho biết mỗi bản làng Vân Kiều có khu "rừng ma" riêng. Đó thường là nơi thâm u, cây cối rậm rạp, có những nấm mồ đất từ nhiều đời trước nên trở thành nơi chốn trú ngụ của những linh hồn. Người Vân Kiều rất sợ vào "rừng ma", hầu như không dám vào đấy nếu như dòng tộc không có ai qua đời.

Trong suy nghĩ của người Vân Kiều, không có "khái niệm" vào rừng ma bốc mộ để đi chôn nơi khác, cho nên thông tin tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi xuyên qua rừng ma ở xã Linh Trường thực sự khiến người dân hốt hoảng. "Bà con tâm tư rất nhiều. Người ta sợ vì trước nay chưa một người Vân Kiều nào dám bốc mộ người chết. Người ta sợ các đấng linh thiêng, các linh hồn trong "rừng ma" sẽ giáng tai họa", ông Ngãi nói.

Chuyện những người Vân Kiều nhường đất chôn cất tổ tiên cho cao tốc Bắc Nam

Tôi nói sự kiện này như là một cuộc cách mạng một lần nữa, bởi nó không dừng lại ở "rừng ma" mà còn là cách mạng trong lối nghĩ của người Vân Kiều, dám từ bỏ hủ tục, từ bỏ những nỗi sợ mơ hồ để có cuộc sống văn minh. Ông Hồ Văn Truyền,


Bí thư Đảng ủy xã Linh Trường, H.Gio Linh, Quảng Trị

Ông Hồ Văn Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Linh Trường, thống kê có đến 51 ngôi mộ của 18 gia đình thuộc 11 dòng họ trong "rừng ma" ở thôn Bến Hà bị ảnh hưởng bởi cao tốc. "Tôi cũng là người Vân Kiều, đúng là dân tộc chúng tôi rất kiêng cữ những việc làm xâm phạm đến "rừng ma". Những ngày đầu, chính quyền vận động người dân ủng hộ chủ trương di dời mộ đã rơi vào bế tắc. Tôi nhớ có vị trưởng họ còn đứng giữa cuộc họp nói lớn: "Chúng tôi sẽ không bao giờ dời mộ. Hãy để mộ của tổ tiên, cha ông chúng tôi ở "rừng ma" mãi mãi, nằm dưới cao tốc", ông Truyền nhớ lại.

BỮA RƯỢU NHỚ ĐỜI

Câu chuyện về đường cao tốc Bắc - Nam "tắc" ở khu "rừng ma" xã Linh Trường sớm trở thành điểm nóng về giải phóng mặt bằng với đại dự án quốc gia này. Tất nhiên, Huyện ủy và UBND H.Gio Linh (Quảng Trị) không thể đứng ngoài cuộc. Bởi nếu mặt bằng tắc ở địa phương nào thì gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó. Trong trường hợp cụ thể ở xã Linh Trường, người chịu trách nhiệm đi đầu để "phá băng" là ông Trần Văn Quảng, Bí thư Huyện ủy Gio Linh.

Dỡ nhà ra ở lều tạm nhường đất cho cao tốc Bắc Nam

"Tái định cư" cho người đã khuất

Ông Bùi Văn Luật, Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ của H.Cam Lộ (Quảng Trị), cho biết H.Cam Lộ đang triển khai "khu tái định cư" cho… người đã khuất. Cụ thể, tại thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền) có tới 60 ngôi mộ cần phải di dời để làm đường cao tốc và cần một khuôn viên mới. "Trước đây, mộ của họ nằm rải rác trong rừng tràm, nay về "ở chung" có lẽ lại hay vì con cháu tiện qua lại hương khói", ông Luật nói.

Nhớ lại cuộc "gỡ nút" đầy căng thẳng cách đây 1 tháng, ông Quảng cho biết sau khi nghe báo cáo, ông đã trực tiếp lên Linh Trường. Tại đây, ông nhờ ông Hồ Văn Truyền (Bí thư Đảng ủy xã) sắp xếp cuộc gặp với toàn thể già làng, trưởng bản và người đứng đầu các họ tộc lớn. Nhưng thay vì diễn ra ở hội trường, cuộc gặp gỡ này diễn ra tại nhà ông Hồ Văn Choàng, chính là vị trưởng họ đã nói câu: "Hãy để tổ tiên nằm dưới 3 tấc đất đường cao tốc".

"Tôi đến nơi vào khoảng 10 giờ trưa. Bước lên nhà thì thấy bà con đã ngồi đông đủ, ở giữa có đặt sẵn chai rượu trắng", ông Quảng kể. Cán bộ uống rượu bia trong giờ hành chính là sai, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Bởi từ chối ly rượu mời của người đồng bào thiểu số thì coi như cuộc gặp đổ bể ngay từ phút đầu tiên.

Mãi đến 14 giờ chiều cùng ngày, "cuộc rượu" mới kết thúc, nhưng trong mấy giờ đồng hồ đó ông Quảng đã kịp nói cho đồng bào nghe và tìm được sự sẻ chia trong công tác giải phóng mặt bằng. "Tôi nói, trước đây bà con theo cách mạng, nguyện mang họ Hồ theo họ của Bác Hồ thì nay tiếp tục ủng hộ chính quyền vì tương lai của đất nước, của con cháu đời sau. Thế là họ gật đầu", giọng ông Quảng rất vui.

Người vùng cao không biết nói hai lời, họ hứa là sẽ làm. Ông Quảng biết rõ điều này. Ngay sau "cuộc rượu" với bà con xã Linh Trường, ông lập tức triệu tập cuộc họp Thường vụ Huyện ủy để triển khai giải phóng mặt bằng ở "rừng ma". "Khi đang triển khai thì anh Choàng bị ốm và mất. Tôi đã rất lo là người ta sẽ xuyên tạc thành câu chuyện kỳ bí nào đó liên quan đến việc cất bốc mồ mả ở rừng ma. Nhưng lần này thì không, bà con đã thực sự đồng thuận", ông Quảng nhớ lại.

Xây 'cao tốc' trong lòng dân: Bước qua lời nguyền 'rừng ma' - Ảnh 4.

Khu nghĩa địa mới, các ngôi mộ được đắp đất và có bia

NGUYỄN PHÚC

CUỘC "CÁCH MẠNG" CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU

Dẫn chúng tôi đi vào khu nghĩa địa mới, nơi có 51 ngôi mộ vừa cất bốc từ "rừng ma" để giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc, ông Hồ Văn Truyền bảo rằng làm được điều này thực sự là một cuộc "cách mạng" đối với dân bản.

Khu nghĩa địa mới đã được san ủi mặt bằng từ trước, không gian thoáng đãng thay vì để cây bụi um tùm đáng sợ như ở rừng ma. Những ngôi mộ an táng lại được đắp cao, nhiều ngôi còn có cả bia khắc tên người mất (thời ở rừng ma thì không có).

Ông Hồ Văn Dung (69 tuổi, thôn Bến Hà) cho biết mộ con ông nằm trong số 51 ngôi mộ phải di dời. Ông cũng như bao người, từng rất sợ nhưng gia đình đã vượt qua. "Ngày bốc mộ, dòng họ và gia đình của chúng tôi đã cúng phong tục rất chu toàn. Ở nơi mộ cũ, chúng tôi cầu xin đưa thi thể người đi nơi khác. Ở ngôi mộ mới, tôi lại xin cho những linh hồn được tiếp tục an nghỉ tại đây. Hôm đó ở khu rừng ma dễ có đến mấy trăm người, đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy nhiều người vào rừng ma đến thế", ông Dung nói.

Ông Hồ Văn Truyền cứ nhắc đi nhắc lại về cuộc "cách mạng" ở vùng cao. "Tôi nói sự kiện này như là một cuộc cách mạng một lần nữa, bởi nó không dừng lại ở "rừng ma" mà còn là cách mạng trong lối nghĩ của người Vân Kiều, dám từ bỏ hủ tục, từ bỏ những nỗi sợ mơ hồ để có cuộc sống văn minh".

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.