Nếu không có tấm biển treo trước cổng "Chợ Quảng An", chắc rằng không ai nghĩ đây là một cái chợ. Tọa lạc ở một vị trí được coi là lý tưởng đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào nhưng hiện tại lô đất hơn 6.000m2, số 236 đường u Cơ vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". Giữa buổi sáng đứng trên đường u Cơ nhìn xuống, chợ vắng hoe.
Nghĩ chợ họp theo phiên (mỗi tuần họp vài lần vào những ngày nhất định) nhưng cô hàng bán nước trong chợ cho biết "ngày nào cũng vậy". Chợ được thiết kế xây dựng rất quy mô. Không nắm được số tiền chính xác đầu tư xây dựng chợ này nhưng ông Sơn, Trưởng ban Quản lý chợ khu vực Yên Phụ cho biết: "Chỉ riêng tiền huy động của dân đã là trên hai tỉ đồng". Không hoạt động, không có người duy tu bảo dưỡng nên nhiều trang thiết bị trong chợ đã bị hoen gỉ, hỏng hóc. Nhiều ki-ốt ở bên ngoài, cửa đã hỏng không sử dụng được. Để tạo ra nguồn thu, Ban Quản lý chợ khu vực Yên Phụ (Q.Tây Hồ) đã cắt một phần ba diện tích ngôi nhà khung thép cho thuê, làm ga-ra sửa chữa ô tô, còn mấy trăm mét mặt đường cho đại lý ô tô An Du làm phòng trưng bày và bán xe. Hơn 6.000m2 đất mặt đường và hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng chợ đã bị bỏ phí.
Ông Sơn, Trưởng ban Quản lý chợ khu vực Yên Phụ cho biết: "Chợ Quảng An đi vào hoạt động từ đầu năm 2003 nhưng ngay từ khi mới xây xong đã bị lỡ nhịp rồi. Khi hoàn tất tính sẽ kéo những người buôn bán xe máy cũ ở chợ Phùng Hưng về nhưng do xây chậm hơn chợ Dịch Vọng. Chợ Dịch Vọng xây xong, người ta về hết đấy rồi nên mình không thu hút được nữa".
Quy mô hoành tráng hơn nhiều, diện tích tới 20.000m2 nhưng chợ đầu mối Bắc Thăng Long vẫn không kém phần... tĩnh lặng. Nếu nhìn ở chân cầu Thăng Long vào, chợ trông giống một công xưởng hiện đại, với hai dãy nhà khung Tiệp rộng tới 2.800m2, số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng. Theo những người dân ở quanh chợ, trước đây khu vực này là đồng ruộng. Năm 2002, thành phố có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, san lấp để xây dựng chợ đầu mối Bắc Thăng Long. Lúc này, hầu hết người dân ở khu vực này đều cho rằng xây dựng chợ đầu mối ở đây là không phù hợp, thứ nhất là cách xa thành phố quá, thứ hai là cạnh đó đã có một chợ khác. Nhưng huyện Đông Anh quyết tâm, thành phố cũng quyết tâm, nên cái chợ này vẫn được xây dựng. Theo ông Đào Đình Đức, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Bắc Thăng Long thì "ngay từ khâu thiết kế chợ đầu mối Bắc Thăng Long đã tỏ ra bất cập. Mùa hè thì toàn bộ khu chính bị nắng xói thẳng vào từ sáng cho đến tối, trời mưa thì nước hắt suốt từ bên này chảy sang cả bên kia chợ".
Tháng 3/2004, chợ chính thức hoạt động. Lúc này đang mùa nắng nóng nên các hộ kinh doanh xin được lùi lại sau một thời gian nữa mới mở hàng. Vừa mới giải tỏa, đền bù đất cát, đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng, chưa hoạt động được gì, đến tháng 7/2004 thành phố ra thông báo chuyển đổi mô hình chợ Thăng Long sang phát triển trung tâm thương mại. Ông Đào Đình Đức bức xúc: "Tôi không hiểu ra sao nữa, xây dựng cái chợ có phải một sở hay một huyện làm được đâu, qua đủ các sở Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Thương mại... tham mưu, thiết kế, thế mà vừa xây xong đã không phù hợp, chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác". Sự bức xúc trên không chỉ là của riêng ông Đức mà là sự bức xúc của nhân dân. Từ khi có thông báo của thành phố đến nay, Ban quản lý chợ không được phép ký hợp đồng cho thuê dài hạn với bất kỳ hộ kinh doanh nào, trường hợp ký lâu nhất cũng chỉ 1 tháng.
Để cứu vãn tình thế, Sở Thương mại xin phép và được UBND TP cho phép các chợ mới xây dựng nhưng hoạt động kém hiệu quả chuyển đổi công năng. Tuy nhiên, theo đại diện các ban quản lý chợ cho biết: "Thiết kế, xây chợ khác hoàn toàn với tất cả các công trình khác". Vì thế, để chuyển đổi công năng các chợ hoạt động kém hiệu quả này chắc chắn thành phố lại phải đầu tư tiền của không ít vào đó.
Xuân Toàn
Bình luận (0)