Những năm gần đây, nhiều địa phương tại Thanh Hóa đua nhau xây chợ “hoành tráng” nhưng người dân chê, không buôn bán nên phải bỏ hoang.
Chợ Già mới bị bỏ hoang vi không có người đến họp - Ảnh: N.M
|
Chợ Quảng Thạch (xã Quảng Thạch, H.Quảng Xương) được đầu tư xây dựng hoành tráng trên diện tích 4.000 m2 với tổng số vốn trên 1,6 tỉ đồng từ Chương trình 257 (chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang ven biển) của Chính phủ. Chợ được xây vào năm 2008, nhưng chỉ sau 1 tháng đưa vào hoạt động đã bị các tiểu thương chê, tự dời sang các chợ ở các xã lân cận buôn bán, nên bị bỏ hoang từ đó đến nay và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Hoàng Công Đương, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch, cho biết, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động, miễn giảm hết các loại phí vào chợ nhưng các tiểu thương vẫn không quay lại chợ Quảng Thạch.
Chợ Già mới ở xã Hoằng Kim (H.Hoằng Hóa) bị bỏ hoang từ ngay sau khi khánh thành vào tháng 10.2012 đến nay. Chợ này được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Việt Hung đầu tư 14 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 5.155 m2 với mục đích thay thế cho chợ Già cũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp và nhếch nhác.
Khu chợ mới xây dựng bảo đảm các tiêu chí chợ nông thôn mới về diện tích sân vườn, cây xanh, các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, nhà kho, khu để xe, nơi thu gom xử lý rác thải, điện chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, các tiểu thương vẫn “cố thủ” buôn bán ở chợ Già cũ gần đó, vì cho rằng mức phí ở chợ Già mới quá cao, lên tới 200.000 - 300.000 đồng, gấp 10 lần so với ở chợ cũ.
Đáng nói, chợ Quảng Thạch và chợ Già chỉ là 2 trong số rất nhiều chợ được các địa phương tại Thanh Hóa xây dựng nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa, cho biết, chính quyền nhiều địa phương không tính đến nhu cầu giao lưu hàng hóa và phong tục, tập quán của người dân; xây chợ theo phong trào mang tính chủ quan, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng gây lãng phí lớn.
Theo ông Hùng, Sở Công thương đang phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát lại quy hoạch các chợ trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án xử lý, khắc phục.
Theo đó, những chợ có khả năng thu hút được tiểu thương nhưng bà con chưa đồng ý về mức giá thuê chỗ buôn bán thì chính quyền bàn bạc, thống nhất lại với doanh nghiệp, đồng thời vận động tiểu thương vào chợ. Còn những chợ không có trong quy hoạch, không thể thu hút được tiểu thương vào buôn bán sẽ giao cho chính quyền địa phương xây dựng phương án chuyển đổi mục đích sử dụng, giảm thiểu sự lãng phí.
Bình luận (0)