Xây 'chui' cả tòa chung cư, chính quyền cơ sở không biết?

24/04/2023 03:56 GMT+7

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản xây cả một tòa nhà chung cư không nằm trong quy hoạch được duyệt, nhưng chính quyền cơ sở không thanh tra, kiểm tra, phát hiện.

Viện KSND TP.Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, người được biết đến với biệt danh "đại gia điếu cày", về tội lừa dối khách hàng, theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 198, bộ luật Hình sự, khung hình phạt là phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Xây 'chui' cả tòa chung cư, chính quyền cơ sở không biết?  - Ảnh 1.

Dự án chung cư CT6 Kiến Hưng được xác định có nhiều vi phạm trong quá trình xây dựng

Tuyến Phan

Ông Thản bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes (gọi tắt Công ty Bemes), chủ đầu tư dự án khu chung cư CT6 Kiến Hưng (Q.Hà Đông, Hà Nội). Đây cũng là diễn biến tố tụng mới nhất sau gần 4 năm kể từ thời điểm vụ án được khởi tố.

Ông Lê Thanh Thản bị truy tố tội lừa dối khách hàng

Cả một tòa nhà xây trái phép "chui lọt lỗ kim"

Theo cáo trạng, dự án CT6 Kiến Hưng được UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội) phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, theo Quyết định 1610, ban hành năm 2008. Từ tháng 10.2010, ông Lê Thanh Thản chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng, đến tháng 11.2012 thì hoàn thành và từ tháng 1.2013 bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống.

Quá trình xây dựng, ông Thản tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (SDĐ), vi phạm nghiêm trọng quy hoạch đã được phê duyệt. Điển hình, khối nhà cao tầng tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao, thay đổi công năng sử dụng, tăng căn hộ; khu nhà thấp tầng thì tăng diện tích đất được xây dựng và số căn, vi phạm chỉ giới đường đỏ. Đặc biệt, ông Thản chỉ đạo xây thêm tòa nhà CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Từ tháng 3.2011, khi dự án chưa hoàn thành, ông Thản đã cho quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án như: đã được phê duyệt, thiết kế tuân thủ quy định về xây dựng, giá bán đã bao gồm giá trị quyền SDĐ... Nhiều khách hàng mua căn hộ mà không hề biết các vi phạm phía sau.

Cơ quan tố tụng xác định ông Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng. Toàn bộ những căn hộ này không được nhà nước công nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, còn gọi là "sổ đỏ". "Đại gia điếu cày" bị cáo buộc thu lợi bất chính 481 tỉ đồng.

Đáng chú ý, các vi phạm của Công ty Bemes, nhất là việc xây dựng cả tòa nhà trái phép, xảy ra trong thời gian dài. Thế nhưng chính quyền cơ sở, cụ thể là UBND P.Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông, lại "3 không": không thanh tra, không kiểm tra, không phát hiện; dẫn tới vi phạm không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Do vậy, ngoài ông Lê Thanh Thản, Viện KSND TP.Hà Nội còn truy tố 6 bị can khác về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, 3 người thuộc UBND P.Kiến Hưng gồm các ông Đỗ Văn Hưng (cựu chủ tịch), Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng (2 cựu phó chủ tịch); 3 người thuộc Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông gồm các ông Nguyễn Văn Năm (cựu chánh thanh tra), Vương Đăng Quân (cựu phó chánh thanh tra) và Mai Quang Bài (cựu cán bộ thanh tra). Sự thiếu trách nhiệm của nhóm cán bộ này dẫn tới thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng đã mua 488 căn hộ với tổng số tiền 481 tỉ đồng.

XEM NHANH 12H ngày 23.4: Truy tố đại gia Lê Thanh Thản | Thảm kịch từ vụ nổ cục nóng điều hòa

Khách hàng có được trả lại tiền?

Quá trình điều tra, ông Lê Thanh Thản khai nhận do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500. Bị can từng có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả theo 3 phương án.

Thứ nhất là xem xét xử lý theo Nghị định 139/2017 và Nghị định 121/2013 của Chính phủ. Thứ hai là bị can tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Thứ ba là bị can tự thỏa thuận với người mua nhà tại CT6C để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó tự phá dỡ tòa nhà.

Ông Thản lựa chọn phương án thứ 3, nhưng Công ty Bemes chưa thỏa thuận được với khách hàng. Sau đó, ông Thản được Ngân hàng BIDV phát hành chứng thư bảo lãnh số tiền 530 tỉ đồng để khắc phục hậu quả tại dự án CT6 Kiến Hưng.

Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh còn có đơn đề nghị xem xét lại khoản tiền cáo buộc thu lợi bất chính, bởi ông cho rằng phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định chỉ có căn cứ giảm trừ 53 tỉ đồng là số tiền thuế giá trị gia tăng của 488 căn hộ mà bị can đã nộp. Phần còn lại, do dự án xây dựng sai quy hoạch nên không có cơ sở để đối trừ chi phí đầu tư.

Về phía 488 khách hàng, họ khai rằng khi ký hợp đồng mua bán đều không biết các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng xây sai quy hoạch. Phần lớn khách hàng đề nghị được chính quyền hỗ trợ cấp "sổ đỏ" với các căn hộ mà mình đã mua; chỉ có số ít muốn trả lại nhà và yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền mua nhà.

Cũng liên quan vụ án, năm 2019, Sở TN-MT TP.Hà Nội từng thông báo thu hồi "sổ đỏ" đã cấp cho một số hộ dân thuộc dự án CT6 Kiến Hưng, do có sai sót trong quá trình thẩm định. Sau khi dư luận lên tiếng phản đối, việc thu hồi dừng lại.

Năm 2020, gần 200 hộ dân thuộc dự án CT6 Kiến Hưng nộp đơn ra TAND TP.Hà Nội khởi kiện Sở TN-MT TP.Hà Nội, vì cho rằng sở này không cấp "sổ đỏ" cho căn hộ của mình sau khi đã mua nhà.

Trong bản cáo trạng, Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị TAND TP.Hà Nội căn cứ điều 48, bộ luật Hình sự tuyên buộc bị can phải trả lại tiền cho bị hại là các khách hàng theo quy định pháp luật nếu có yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.