Xây dựng cơ quan chuyên môn giải quyết yêu cầu bồi thường

21/06/2016 07:18 GMT+7

Ngày 20.6, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo đánh giá tác động dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).

Theo đó, hội thảo đưa ra 6 vấn đề còn tranh cãi trong dự thảo: mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước; cơ quan giải quyết bồi thường; trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường; thiệt hại được bồi thường; kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; tăng mức tiền hoàn trả và xử lý kỷ luật cán bộ gây thiệt hại.
Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Thị Tố Hằng cho hay sau hơn 6 năm thi hành luật, việc giải quyết bồi thường đã không phản ánh đúng thực tế công tác bồi thường, thể hiện qua số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường chỉ khoảng 200 vụ/hàng chục ngàn đơn thư yêu cầu bồi thường; đồng thời số tiền được bồi thường chưa phản ánh đúng thiệt hại mà người dân phải chịu.
Theo ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp), luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có quá nhiều hạn chế. “Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại thì trước tiên phải thay đổi, thiết kế lại mô hình cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường để tăng tính hiệu quả. Quy định bây giờ có quá nhiều cơ quan giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường, phải ngồi thương lượng với cơ quan gây thiệt hại, khi không thương lượng thì ra tòa...Quy định này không chuyên nghiệp bởi chính cơ quan thi hành công vụ gây thiệt hại sẽ ngồi thỏa thuận bồi thường cùng người bị thiệt hại với tâm lý “con dại cái mang”, tìm mọi cách chứng minh cán bộ không có lỗi, hoặc giảm tối đa số tiền phải bồi thường…”.
Ông Huệ đề xuất: “Cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường là cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Công tác bồi thường được giao cho 2 hệ thống cơ quan độc lập xử lý, là hệ thống cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường và hệ thống cơ quan quản lý giải quyết bồi thường: T.Ư là Bộ Tư pháp, địa phương là Sở Tư pháp. Trong đó, chức năng nổi trội là “thẩm định toàn bộ hồ sơ vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường của các cơ quan giải quyết bồi thường thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau trước khi cơ quan giải quyết bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.