Đồng Nai là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn, tuy nhiên do làm ăn manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp (DN) nên hầu như năm nào cũng lâm vào tình cảnh được mùa mất giá...
|
Để khắc phục tình trạng này, vừa qua UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ người dân và DN trên địa bàn nhằm tìm cách xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết, khuyến khích DN tham gia chuỗi liên kết, xây dựng cánh đồng lớn, hình thành các vùng nguyên liệu.
Làm từng trái một
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: “Việc làm sao để người nông dân không còn lâm vào tình cảnh được mùa mất giá chúng ta đã nói nhiều nhưng chưa thực hiện được. Bây giờ có chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương thì phải triển khai và quyết tâm thực hiện”. Trước mắt Đồng Nai sẽ chọn trái xoài và giao cho Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đảm trách vì hiện Dofico đang có mối quan hệ tốt với các DN ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn trái cây của VN.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Phó Tổng giám đốc Dofico cho biết: “Chúng ta có lợi thế về nguồn trái cây và tín hiệu từ thị trường 2 nước này. Tuy nhiên cái khó là nhà vườn ở Đồng Nai mới chỉ đáp ứng được các yếu tố kỹ thuật ban đầu như sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap và cách bảo quản. Còn yếu tố quyết định tiêu chuẩn xuất khẩu là xử lý da nhiệt và chiếu xạ để loai bỏ ruồi đục quả đối với các loại trái cây mà 2 thị trường này yêu cầu thì Đồng Nai chưa đáp ứng được”. Theo ông Hiểu, Dofico cũng đã làm việc với các HTX xoài trong tỉnh để bàn việc liên kết. Nếu xử lý tốt các khâu kỹ thuật trên và xây dựng mối liên kết bền chặt với nông dân, trái xoài sẽ đầy tiềm năng để xuất khẩu. Hiện tại Dofico đã có văn phòng đại diện tại Dubai, sắp tới Công ty cũng sẽ đặt văn phòng đại diện tại Hàn Quốc.
Chú trọng hợp đồng giữa nông dân và DN
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, hiện tỉnh đã xây dựng được một số dự án phát triển vùng nguyên liệu như: điều, mía, xoài, ca cao… Tuy nhiên chuỗi liên kết này hoạt động kém hiệu quả và thiếu bền vững, một trong những lý do đó là sự bội tín, do hợp đồng giữa người nông dân và DN chưa chặt chẽ.
Để khắc phục vấn đề này, ông Võ Văn Chánh cho rằng hợp đồng ký kết tới đây phải có ràng buộc cụ thể và chặt chẽ. Ngoài ra các DN phải cho nông dân thấy lợi ích của mình khi tham gia như được bao tiêu sản phẩm với giá không thay đổi, dù được mùa hay mất mùa cũng vậy, cứ giao sản phẩm là lấy tiền. Và đặc biệt khi ký kết hợp đồng không thể một mình DN đi riêng lẻ mà phải có chính quyền tham gia để tạo niềm tin cho người dân.
Trong quá trình các DN tham gia thực hiện chuỗi liên kết, xây dựng cánh đồng lớn, hình thành các vùng nguyên liệu…nếu địa phương nào gây phiền hà thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Bên cạnh đó, nếu các DN tham gia chương trình cánh đồng lớn sẽ được miễn tiền sử dụng đất. Ngoài ra, các DN còn được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi 7%/năm (ngắn hạn); 10%/năm (trung hạn) và 10,5%/năm (dài hạn). |
Bài, ảnh: Lê Lâm
>> Cần đưa vật nuôi vào quy hoạch cánh đồng lớn
>> Tài trợ 70 triệu USD cho chương trình 'Cánh đồng lớn
>> Cần nhân rộng mô hình cánh đồng lớn
>> Nông dân trên cánh đồng lớn
Bình luận (0)