Đi vào chiều sâu
Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng trong tờ trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo tờ trình, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở và người dân, kế hoạch đến năm 2020 đạt mục tiêu sớm hơn 1,5 năm.
Trong khi đó, số liệu Bộ NN-PTNT mới công bố cho thấy, đến hết tháng 8, cả nước có 5.3385/8.233 xã (64,84%) đạt chuẩn nông thôn mới; 396 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân 16,68 tiêu chí/xã.
H.Hải Hà (Quảng Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới |
N.H |
196/664 đơn vị cấp huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 tỉnh được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương. Cho nên, dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới thông minh ở các cấp.
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu cấp thôn ấp, hộ gia đình gắn với xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức độ thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, văn hóa…) của người dân nông thôn với thành thị.
Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Xây dựng nông thôn mới theo 3 vùng
Trong dự thảo chiến lược, Bộ NN-PTNT nêu rõ: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Định hướng chương trình xây dựng nông thôn mới gắn chặt với quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển công nghiệp trong nông thôn phù hợp với lợi thế vùng miền và phát huy tính đa dạng của địa phương.
Dự thảo chiến lược xác định xây dựng nông thôn mới theo 3 vùng. Trong đó, vùng 1, với các xã khu vực ven đô, kinh tế phi nông nghiệp chiếm đa số, dịch vụ, thương mại và có cơ sở hạ tầng tốt thì hướng tới đô thị hóa. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngang với đô thị, phát triển chất lượng dịch vụ ngang bằng với khu vực thành thị.
Mô hình nuôi cá sông tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới |
N.H |
Vùng 2, với những xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn thì hướng tới liên kết, hình thành các vùng chuyên canh. Tập trung phát triển hạ tầng vùng chuyên canh, xây dựng cụm ngành liên kết giữa sản xuất - chế biến - dịch vụ; hỗ trợ kết nối hạ tầng giữa các vùng chuyên canh với các thị trường lớn, khu trung chuyển, dịch vụ hậu cần lớn...
Vùng 3, với các xã nông thôn truyền thống thì tập trung phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, hoạt động du lịch gắn với văn hóa bản địa. Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương, phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế; phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Bình luận (0)