Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai: Bài học từ huy động sức dân

26/02/2015 14:28 GMT+7

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều làng quê ở H.Xuân Lộc và TX.Long Khánh (Đồng Nai) đã và đang 'thay da đổi thịt' từng ngày…

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều làng quê ở H.Xuân Lộc và TX.Long Khánh (Đồng Nai) đã và đang 'thay da đổi thịt' từng ngày…
Học sinh Xuân Lộc hồn nhiên đến trường trên con đường làng được trải nhựa - Ảnh: Phước TuấnHọc sinh Xuân Lộc đến trường trên con đường làng - Ảnh: Phước Tuấn
Diện mạo mới của nông thôn mới
Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi đến xã Lang Minh, một xã thuần nông của H.Xuân Lộc để cảm nhận không khí ấm áp của mùa xuân đang về trên các nẻo đường liên thôn, liên xã. Gia đình ông Đỗ Hữu Tâm, một hộ dân của xã này thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền nhưng đến nay thì được công nhận thoát nghèo. Ông Tâm chia sẻ: “Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi có sự kêu gọi đóng góp xây dựng nông thôn mới, tôi đã dành dụm được 11,5 triệu đồng và dành toàn bộ số tiền này ủng hộ xã để làm đường liên thôn. Hằng ngày, nhìn lũ trẻ đi học trên con đường rải nhựa, không bị ướt sách vở như trước đây tôi phấn khởi lắm”.
Hoàn thành NTM chỉ như mới học xong tiểu học, sau nông thôn mới còn cả chặng đường dài cần tiếp tục phấn đấu để đạt và giữ vững các tiêu chí. Mục đích cuối cùng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn
Ông Trần Đình Thành - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai
Ông Trần Văn Xuân, ngụ xã Suối Tre (TX.Long Khánh) cho hay, từ khi thực hiện nông thôn mới, bà con rất phấn khởi vì đường giao thông được bê tông hóa. Người dân đi làm nhanh hơn, các cháu đến trường thuận lợi hơn”.
Tại H.Xuân Lộc, tính từ năm 2009 đến nay, tổng nguồn vốn mà H.Xuân Lộc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hơn 9.333 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn từ NSNN chỉ hơn 1.000 tỉ đồng, còn lại là nguồn huy động sức dân lên tới hơn 8.000 tỉ đồng. Về giáo dục, nếu như năm 2009 chỉ có 15/67 trường trong toàn huyện đạt chuẩn quốc gia thì đến nay đã có 44/67 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện cũng đã xây mới 7 chợ (746,4 tỉ đồng) từ nguồn vốn của DN và tiểu thương. Về y tế, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Mỗi trạm ý tế xã có từ 1-2 bác sĩ phục vụ.
Đến nay nhiều vùng canh tác nông nghiệp của H.Xuân Lộc đã đạt giá trị sản xuất từ 100 đến 250 triệu đồng/ha/năm như: vùng sản xuất một vụ lúa 2 vụ ngô, vùng chuyên canh trồng xoài, thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hưng, vùng cây ăn trái tại xã Xuân Định, vùng trồng tiêu tại xã Xuân Thọ…Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân H.Xuân Lộc đạt trên 31 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,35%.
Tại TX.Long Khánh, 100% tuyến đường liên thôn được bê tông hóa. 5 năm qua, toàn thị xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình giáo dục với kinh phí hơn 153 tỉ đồng. Đến nay số lượng tường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 32/32 trường. 9/9 xã hoàn thành phổ cập tiểu học, THCS, THPT. Trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Về y tế, 9/9 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về cơ sở vật chất văn hóa, 100% xã có đài truyền thanh hoạt động với 116 cụm loa. Có 6 phòng đọc sách với 9 tủ sách pháp luật, 86 cơ sở TDTT đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Bí thư Thị ủy TX.Long Khánh Nguyễn Văn Nải cho biết trước đây thu nhập của nông dân ở mức 50-60 triệu đồng/năm thì nay tăng lên 200-300 triệu đồng/năm từ mô hình trồng cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, ổi... đạt chuẩn VietGap. Thu nhập bình quân của nông dân nông thôn mới đạt 38,6 triệu đồng/người/năm.
Quan điểm nhất quán của tỉnh Đồng Nai là xây dựng NTM phải thực chất, trung thực với những gì mình làm được và cả chưa làm được để NTM không phải là cuộc chạy đua mang tính hình thức
Ông Võ Văn Chánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Ông Nguyễn Minh Nhật, Bí thư Huyện uỷ H.Xuân Lộc, cho biết để có thể huy động được sức dân, tạo đồng thuận cao trong dân thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người gần dân nhất. Từ lãnh đạo huyện đến xã, khi đến với dân thì phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để xây dựng chính sách. Nếu dân đồng thuận thì không có việc gì không làm được.
Linh mục Đinh Châu Khâm, Chánh xứ Lang Minh, chia sẻ: “Khắp nơi trong xã, ở đâu cũng có các phong trào hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nông thôn. Để làm được điều đó, chính là nhờ sự sâu sát của lãnh đạo địa phương, biết lắng nghe dân, đồng thời cam kết thực hiện lời hứa với dân”.
Ông Nguyễn Minh Nhật quan niệm, bài học về khoan sức dân là bài học lớn để tạo nên sức mạnh. Do vậy, khi xác định rõ thế mạnh của Xuân Lộc là phát triển nông nghiệp thì chính quyền và người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chính nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nên giá trị kinh tế trên mỗi ha đất nông nghiệp đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.