Xây dựng văn hóa giao thông: Khó nhưng phải làm!

10/01/2022 09:14 GMT+7

Ở nước ta, văn hóa giao thông đang trong giai đoạn định hình, biến đổi liên tục trong bức tranh tổng thể của quá trình đô thị hóa.

Bắt đầu từ mỗi chúng ta

Những hành vi đẹp trong giao thông phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, pháp luật đang dần trở thành những hằng số của văn hóa con người Việt Nam. Trong quá trình vận động, phát triển, những hằng số đó sẽ không ngừng đấu tranh với các hành vi, thói quen xấu trong bất kỳ loại hình, hình thức giao thông nào. Việc đổ lỗi cho các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng chỉ là cách nói cửa miệng.

Trong điều kiện hạ tầng giao thông như hiện nay, chúng ta hoàn toàn xây dựng được văn hóa giao thông. Điều đó bắt đầu từ mỗi chúng ta. Văn hóa giao thông không chỉ là phát ngôn, hành vi trên đường, trên phương tiện mà còn ở đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội, lối sống của mỗi cá nhân. Một đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp còn là một đô thị có văn hóa giao thông. Một xã hội phát triển bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế là sự nâng cao về chất lượng sống, phẩm giá, hạnh phúc, văn hóa và tuân thủ pháp luật.

Hình ảnh từ camera giao thông được lắp đặt tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM vào sáng 7.1.2022

cổng thông tin giao thông Tp.hcm

Loại trừ thói quen, hành vi chưa chuẩn mực

Phần đông trong chúng ta hay đổ thừa (trốn tránh trách nhiệm) những thói quen, hành vi tham gia giao thông chưa chuẩn mực cho điều kiện khách quan: đường sá chật hẹp, lượng xe đông, chỉ dẫn giao thông chưa phù hợp, khác biệt dân trí… Mặc khác, nội hàm sâu nhất của văn hóa chính là tác động và làm thay đổi môi trường, xã hội, hành vi giao tiếp, ứng xử của con người. Điều đó có nghĩa chính người tham gia giao thông sẽ tác động và làm thay đổi theo chiều hướng tích cực, văn minh của môi trường giao thông. Nếu hành vi tham gia giao thông chuẩn mực, sẽ làm lan tỏa giá trị văn hóa giao thông trong cộng đồng, xã hội; loại trừ dần thói quen, tập quán không chuẩn mực. Ngược lại, khi thái độ, hành vi tham gia giao thông bất chấp các quy chuẩn văn hóa và pháp luật sẽ làm môi trường giao thông xấu đi.

Diễn đạt này nhằm nhấn mạnh yếu tố con người - với tư cách là thành viên/thực thể tham gia giao thông sẽ làm tốt hơn/hoặc xấu đi môi trường văn hóa giao thông, chứ không ở hạ tầng, đường sá, lượng xe. Cho rằng hạ tầng giao thông không theo kịp nhu cầu xã hội, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu chỉ là sự ngụy biện được truyền tai nhau bấy lâu. Chỉ cần đặt ra vài câu hỏi sẽ thấy câu trả lời minh chứng cho điều đó.

Hình ảnh từ camera giao thông được lắp đặt tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức sáng 7.1.2022

cổng thông tin giao thông tp.hcm

Chẳng hạn: Một cung đường xấu có biển cảnh báo vẫn phóng nhanh, vượt ẩu là tại đường hay tại người? Sử dụng đèn xi-nhan không hợp lý, nhấn còi xe không cần thiết lúc kẹt xe, tắc đường là do lượng xe hay do người? Vượt đèn vàng, đèn đỏ là do cột đèn giao thông hay do người? Điều đó cho thấy văn hóa giao thông bắt đầu từ chính con người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giao thông. Không ai khác, chính chúng ta - những người hằng ngày đều tham gia giao thông trên đường với nhiều loại phương tiện khác nhau đang góp phần xây dựng môi trường văn hóa giao thông hoặc ngược lại.

Những thói quen phản văn hóa khi tham gia giao thông sẽ bào mòn các chuẩn mực, xem nhẹ pháp luật tạo nên hiệu ứng tiêu cực trong tâm lý đám đông, tự mình đưa ra quy chuẩn, “quy luật” trên đường: “ta luôn luôn vội”, “mình phải vượt trước”, “đường ai nấy đi”, cưỡi cái TÔI chứ không phải cưỡi phương tiện giao thông…

Tăng cường giáo dục, truyền thông

Câu chuyện 1 (câu chuyện thật): Có hai cha con dừng đợi đèn đỏ. Người con bắt đầu đếm ngược từ 10 đến 0 để đợi đèn xanh. Khi đèn tín hiệu giao thông hiển thị đến số 3, người cha chạy xe đi. Người con nói:

- Đèn vẫn chưa xanh cha ơi. Người cha bảo:

- Số 3 chạy là vừa rồi.

Câu chuyện 2 (câu chuyện giả định): Giữa đoạn đường bị tắc, một thanh niên bước xuống xe máy và hét lớn:

- Tất cả tránh ra cho tôi chạy lên trước. Đám đông nhìn anh ta, không ai tránh đường, cũng không ai nói câu gì. Anh ta lên xe và tiếp tục nối đuôi theo dòng xe.

Câu chuyện thứ 3 (của tôi). Một lần đứa con trai 6 tuổi cùng tôi đi trên đường, cháu đòi sờ vào các đèn trên cột đèn tín hiệu giao thông. Tôi bế cháu lên gần cột đèn và chỉ dẫn ý nghĩa từng màu đèn. Về đến nhà cháu khoe với mẹ:

- Mẹ ơi, tối nay cha chạy đúng đèn rồi. Từ đó, tôi càng ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Một câu chuyện khác. Chúng ta không thể lắp camera khắp các tuyến đường, chúng ta càng không thể cử lực lượng chốt canh hết các ngã đường, giao lộ. Và vả chăng chúng ta bắt buộc mỗi phương tiện giao thông đều phải mang theo luật Giao thông đường bộ hay Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Thế nên, câu chuyện thứ nhất phải nhờ đến yếu tố người cha giáo dục; câu chuyện thứ hai phải nhờ đến cộng đồng để cùng đưa ra thông điệp đối với những ai cố tình đi ngược lại các giá trị văn hóa giao thông. Sự phát triển của truyền thông đại chúng là điều kiện thuận lợi để tăng cường giáo dục ý thức, lối sống, văn hóa giao thông bên cạnh sự cải tiến mạnh mẽ giáo dục học đường và gia đình. Suy cho cùng, văn hóa dù được hiểu như thế nào thì vẫn là sản phẩm của con người, bắt đầu từ con người và điểm cuối cũng là con người.

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhận định “so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”.

Do vậy, mỗi công dân tham gia giao thông không chỉ thụ hưởng sự phát triển của hạ tầng giao thông, mà còn phải góp phần xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.