LỘ DIỆN LỚP TÀI NĂNG TRẺ
Đội U.17 VN hụt vé dự VCK World Cup 2025 là điều rất đáng tiếc, nhưng lớp cầu thủ tuổi "bẻ gãy sừng trâu" đã có những trải nghiệm quý báu khi được thực chiến với các đối thủ cực mạnh như Nhật Bản, Úc và UAE. Chúng ta không tự ru ngủ bản thân với những trận đấu toàn hòa, nhưng kết quả trên cần được nhìn nhận tích cực. Những nhân tố như thủ môn Hoa Xuân Tín, Chu Ngọc Nguyễn Lực, Lê Tấn Dũng, Lê Huy Việt Anh, Trần Gia Bảo, Hoàng Trọng Duy Khang... sớm bộc lộ tố chất chơi bóng thông minh, xử lý kỹ thuật không hề thua kém đồng nghiệp đến từ những nền bóng đá mạnh.

Các cầu thủ trẻ sẽ sớm trưởng thành nếu liên tục được thử thách ở những giải đấu có chất lượng
ẢNH: MINH TÚ
Trước đó, tại giải giao hữu CFA Team China 2025, đội U.22 VN cũng gây ấn tượng tốt khi chạm trán các đội trẻ hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Uzbekistan, Trung Quốc. Nếu như Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Quốc Việt... đã được chú ý từ trước thì sự xuất hiện của cầu thủ Việt kiều Viktor Lê đã giúp HLV Kim Sang-sik có thêm lựa chọn không tồi. Đây là tiền vệ kiến tạo đầy triển vọng, có nhãn quan chiến thuật tốt. Vừa tỏa sáng ở U.22, Viktor Lê tiếp tục ghi dấu ấn tại CLB Hà Tĩnh khi kiến tạo cho đồng đội ghi 2 bàn trong trận gặp Thể Công Viettel ở vòng 17 V-League. Ngoài những cầu thủ vừa kể, chúng ta vẫn còn các nhân tố lạ mà quen vì từng ăn tập cùng đội U.23 và tuyển quốc gia như Nguyễn Đình Bắc, Khuất Văn Khang, Nguyễn Thái Sơn, Trần Trung Kiên...
Ước tính, hiện có khoảng 35 - 40 cầu thủ trẻ tài năng để ban huấn luyện đội tuyển VN sàng lọc, giúp đội U.22 tranh tài tại SEA Games 33 năm 2025 hoặc bổ sung vào thành phần tuyển quốc gia cạnh tranh vòng loại Asian Cup 2027.
CẦN MÔI TRƯỜNG THỰC CHIẾN
Để các tài năng trẻ sớm trưởng thành, cần tạo điều kiện nhiều hơn cho họ trải nghiệm, trui rèn bản lĩnh trận mạc. Lớp cầu thủ trước như Duy Mạnh, Quang Hải, Hoàng Đức, Công Phượng... nhờ được ra sân thường xuyên ở cấp CLB hay các đội tuyển trẻ nên tiến bộ khá nhanh, đóng góp lớn cho thành công của đội tuyển quốc gia.

Thế hệ cầu thủ trẻ như Phạm Lý Đức (phải) sẽ là tương lai của bóng đá VN
Trong nỗ lực giúp cầu thủ trẻ phát triển năng lực từ sớm, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã ký hợp tác với nhiều liên đoàn, hiệp hội bóng đá như Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, tạo điều kiện để các đội tuyển trẻ có nhiều hơn những trận đấu cọ xát hữu ích. Năm 2024, Trung Quốc đã mời VN tham dự 5 giải gồm U.16, U.19, U.21, cả bóng đá nữ 11 người và nữ futsal. Sắp tới VFF sẽ ký hợp tác sâu hơn với Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc, tiếp tục đưa các đội bóng trẻ VN sang đá giao hữu, tích lũy kinh nghiệm.
Theo tính toán của các chuyên gia, một cầu thủ trẻ cần ít nhất 30 trận đấu/năm với quãng đường di chuyển từ 9 - 10 km trong 90 phút. Ở Nhật, nhiều địa phương vận hành bóng đá theo mô hình kim tự tháp, với các cấp độ từ thấp đến cao như: cấp trường học (Junior/School), cấp thanh thiếu niên (Junior-Youth), cấp thiếu niên - sinh viên (Youth-Student) và cao nhất là cấp chuyên nghiệp (Pro). Đó là chưa kể hệ thống thi đấu giải học đường, trung học, đại học được tổ chức song song với các giải chuyên nghiệp, là điều kiện tốt giúp cầu thủ trẻ sớm trưởng thành.
Bóng đá VN chưa làm được như vậy. Cầu thủ trẻ VN ít có cơ hội ra sân vì nhiều HLV thích sử dụng ngoại binh để giữ thành tích. Trường hợp CLB HAGL mạnh dạn sử dụng "sản phẩm nhà trồng" như Trần Gia Bảo, Phạm Lý Đức, Đinh Quang Kiệt ở V-League rất cần được khuyến khích.
CÁC CLB ĐỪNG LÃNG PHÍ NHÂN TỐ TRẺ
VN hiện cũng chỉ có vài lò đào tạo cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho các đội tuyển như Hà Nội, HAGL, Thể Công Viettel, SLNA, Bình Dương... Diện tuyển chọn như vậy vẫn chưa đủ rộng, với số lượng chưa nhiều. Nếu nhìn sang 2 nền bóng đá lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta còn nhiều việc phải làm ở khâu đào tạo trẻ.
Có một nghịch lý ở VN, lẽ ra cầu thủ phải được trang bị kỹ năng, tư duy chơi bóng thật tốt ở CLB thì việc này lại được HLV ở các đội tuyển trẻ gánh vác. Thành ra, vai trò người thầy ở các đội trẻ trở nên cực kỳ quan trọng như cái cách mà HLV Cristiano Roland đã làm cho U.17. Tương tự, trong quá khứ chúng ta có các HLV Hoàng Anh Tuấn (U.20), Guillaume Graechen (U.19) cũng từng chắp cánh cho nhiều cầu thủ trẻ thành danh.
Bóng đá VN hướng đến mục tiêu SEA Games cuối năm tại Thái Lan. Vì vậy, các CLB không nên chậm trễ tạo điều kiện để cầu thủ thuộc lứa U.17, U.20, U.22 được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, đội tuyển quốc gia tranh tài tại vòng loại Asian Cup 2027 cũng là động lực để các nhân tố trẻ phấn đấu lọt vào "mắt xanh" của thuyền trưởng Kim Sang-sik.
Tất nhiên, tìm vài nhân tố nhập tịch như Nguyễn Xuân Son (hay sau này có thể thêm Hendrio Araujo Da Silva) để giúp tuyển quốc gia mạnh lên là giải pháp tốt. Nhưng con đường phát triển bền vững vẫn là xây dựng nội lực, sử dụng cầu thủ "nhà trồng". Điều này được ví như chúng ta đang xây đường băng giúp đội tuyển VN cất cánh trong tương lai.
Bình luận (0)