Nhưng kể cả khi chợ mới đã có hình hài thì họ vẫn không được mãn nguyện.
Thị trấn Cửa Việt nằm cuối tuyến đường xuyên Á, là điểm nút giao thương buôn bán của các xã Gio Mai, Gio Hải, Gio Việt (H.Gio Linh), khi cầu Cửa Việt được khánh thành thì các xã Triệu An, Triệu Vân (H.Triệu Phong) cũng được kết nối. Với lợi thế cửa biển, cùng hơn 5 ngàn dân, Cửa Việt có đầy đủ lợi thế để phát triển du lịch cũng như kinh tế biển.
|
Nhận thấy được những tiềm năng cũng như sự cấp bách về một ngôi chợ bề thế, tháng 6.2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án công trình chợ thị trấn Cửa Việt tại một vị trí thuận lợi (mặt tiền đường xuyên Á, mặt hậu giáp sông Hiếu) thuộc KP.3, tổng diện tích khoảng hơn 2.000m3. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng H.Gio Linh làm chủ đầu tư với số tiền là hơn 20,5 tỉ đồng. Sau khi UBND thị trấn Cửa Việt hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và san nền, gói thầu đầu tiên (xây dựng đình chợ) quy mô 2 tầng, trị giá khoảng 8 tỉ đồng được giao cho Công ty xây dựng 106 thi công từ đầu năm 2011.
Từ ngày khởi công, người dân địa phương đã vui mừng khôn tả khi nghĩ đến viễn cảnh sẽ rút ngắn được hơn 10 km, sẽ đi chợ Cửa Việt thay vì đi chợ Đông Hà. Nhưng đến khoảng tháng 8.2012, bỗng nhiên nhà thầu dừng xây dựng, rút hết máy móc, nhân công ra khỏi khu vực trong khi chợ chỉ mới xong mỗi bộ khung, trước sự ngỡ ngàng của người dân. “Dân chúng tôi quá cần cái chợ này nhưng giờ họ không xây nữa, vì sao thì chúng tôi không biết nhưng chắc chắn công trình đã xong phần thô mà phơi nắng mưa thế này thế nào cũng xuống cấp. Anh thấy đấy, thép đã gỉ hết rồi, tường gạch rêu mốc cùng bám đầy rồi…có khi sập chứ không chơi.”, ông Phan Hữu Nam (37 tuổi, sống sát cạnh ngôi chợ dở dang) nói.
Mang câu chuyện này đến UBND thị trấn Cửa Việt thì chúng tôi mới té ngữa rằng, chợ chỉ dừng lại ở bộ khung vì không có tiền để xây tiếp. Bởi theo quyết định của UBND tỉnh, dù phê duyệt tổng đầu tư là 20,5 tỉ đồng nhưng tỉnh chỉ cấp 3 tỉ đồng nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư, phần còn lại sử dụng vốn phân cấp do H.Gio Linh quản lý và vốn đấu giá lô quầy (ước khoảng 200 lô), phố chợ.Tháng 9.2012, tỉnh đã bố trí hỗ trợ thêm cho huyện 500 triệu đồng để giúp đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng chẳng thấm béo vào đâu. “Chúng tôi xin huyện thì huyện bảo không có tiền trong khi chợ Cửa Việt là chợ xây mới, trước đây không có chợ cũ nên lấy ai ra đấu giá lô quầy. Nếu có đấu được thì số tiền ấy làm sao đủ chi cho số tiền mười mấy tỉ đang thiếu. Giờ nhà thầu không có tiền, họ không xây tiếp, mình làm gì được?”, ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt nói.
Cũng theo ông Kỳ thì chợ thị trấn Cửa Việt có quy mô cấp vùng, khi hoàn thành ngoài chức năng buôn bán thông thường còn là nơi phục vụ hậu cần nghề cá, kết nối phát triển du lịch của địa phương và những vùng lân cận nên mức đầu tư chỉ vỏn vẹn hơn 3 tỉ đồng của Nhà nước là quá thấp, chưa tính đến việc trượt giá. Có ý kiến khác cho rằng vấn đề là ở chỗ, khi thiết lập dự án, UBND tỉnh và ngành chức năng đã không “liệu cơm gắp mắm” nên đã tính xây một ngôi chợ lớn, trong khi thứ quan trọng nhất là tiền thì lại không có. Còn theo thông tin mới nhất mà Thanh Niên có được thì số phận của chợ thị trấn Cửa Việt tùy thuộc vào nguồn vốn T.Ư hỗ trợ trong năm 2013 và còn chờ UBND tỉnh Quảng Trị cân đối lại, nếu ổn thì mới bổ sung. Vì vậy, chính quyền và người dân thị trấn Cửa Việt chỉ có một lựa chọn là chờ đợi, mặc bao lo toan về chất lượng công trình.
Nguyễn Phúc
>> Xây chợ rồi bỏ hoang
>> Tốn tiền tỉ xây chợ để cho thuê 10 triệu đồng/năm
>> Tiểu thương chưa thống nhất phương án xây chợ mới
>> Xây chợ mới, tiểu thương kêu cứu!
Bình luận (0)