Xây nhà cho 'bậc thầy kiến trúc'

07/09/2014 03:00 GMT+7

Nhiều năm bám theo đám chim dồng dộc, hết cánh rừng nọ đến ngọn núi kia, ông Nguyễn Quốc Việt lủ khủ mang về hàng trăm tổ chim hoang.

Loài chim vui nhất trên đời

 
Ông Nguyễn Quốc Việt và một phần bộ sưu tập tổ chim dồng dộc của mình - Ảnh: Tiến Trình

Ông Nguyễn Quốc Việt từng là Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu. Ông nói có làm gì thì rồi người gốc nông dân cũng không bỏ được nỗi đam mê tiềm thức với ruộng đồng, rừng rú; với đám chim dồng dộc “mở hội” dưới những tán cây già. Với ông, những “xóm dồng dộc” luôn cho người ta một niềm vui tinh khiết, thanh bình. Ông nói, chim dồng dộc là loài chim... vui nhất trên đời. Ở đâu có chúng là náo nhiệt. Chúng không sống riêng lẻ mà luôn có bầy đàn. Làm tổ trên cây chúng cũng chọn nơi yên bình nhất để xây được nhiều tổ, sống bên nhau như xóm làng. Dồng dộc xây dựng tổ chỉn chu đến mức hoàn mỹ. Mỗi tổ chim là một kiến trúc tuyệt vời.

Về hưu, ông Việt có thời gian sống với đam mê sưu tầm tổ chim dồng dộc của mình. Thế nhưng xóm làng xưa đã quá nhiều thay đổi. Vườn tược bị biến thành vuông tôm. Lũ dồng dộc cũng không còn những tán cây già để “lập xóm”. Chúng phải kéo nhau về rừng, về núi.

Mấy năm trước, ông Việt đã cài “ăng ten” khắp nơi: ai đi đâu gặp tổ chim dồng dộc thì nhớ báo cho ông biết. Rồi ông cũng được những nông dân ở Cà Mau báo tin là tìm gặp lũ dồng dộc đóng trên rừng tràm bông vàng. Ông mua ký trà, cây thuốc lá đến nơi năn nỉ chủ nhà cho vào vườn lấy tổ dồng dộc. Những lần sau “chuyên nghiệp” hơn, ông mua thùng mốp to gắn sau xe để khi lấy được tổ dồng dộc nào ông cho vào thùng chở về Bạc Liêu. Để đến được nơi chim dồng dộc làm tổ, ông phải rời nhà từ khuya, đến tận vùng rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), có khi phải lên vùng Bảy Núi (An Giang)... Ở đâu nghe tin có chim dồng dộc là ông tới.

Ông Việt nói, chim dồng dộc thân thiện với con người, nhưng chúng cũng rất... đề phòng con người. Chúng chọn những cây thật cao, thật rậm rạp để làm tổ. Mà thường những cây có chim dồng dộc là có... ong. Nên để tiếp cận được chúng, trước tiên phải “bước qua” các tổ ong. Lấy được tổ nào, ông Việt lại ghi vào sổ tổ đó. Để thấy mỗi vùng, chim dồng dộc lại có cách làm tổ khác nhau.

Sống với dồng dộc

Đến nay ông Việt đã có131 tổ dồng dộc. Ông nói, càng nghiên cứu nhiều thì càng phát hiện có những điều thuộc về thiên nhiên mà con người không làm sao hiểu hết.

 
Chim dồng dộc đang làm tổ - Ảnh: shutterstock

Ví như cách thức đan tổ của dồng dộc. Nhìn bên ngoài thấy chúng xây “như người ta lợp nhà”, nhưng chẳng tổ nào giống tổ nào. Có tổ chúng đan từ trên xuống, có tổ chúng lại đan từ dưới lên. Dồng dộc chỉ chọn các loại lá nhám làm tổ. Con trống thường xây cho mình một cái tổ tạm bợ hình chiếc chuông. Sau đó chúng lại đi tìm bạn tình, “tình cảm” trong những chiếc tổ đơn sơ đó. Đến khi con mái sắp đẻ trứng, con trống lại xây tổ khác chỉn chu hơn, kiên cố hơn, có “phòng” riêng để chứa trứng, nuôi con... Có những tổ chúng xây rất cầu kỳ, “xa hoa quá mức”. Như có tổ chúng xây dài đến 1,4 m. Mà không biết chúng xây “hoành tráng” như thế để làm gì, có lẽ con trống muốn thể hiện tình cảm với con mái chăng? Dù vậy sau khi đám chim non đủ lông đủ cánh thì chim dồng dộc cũng bỏ tổ đi nơi khác. Những tổ mái chính là những tuyệt tác mà nhiều thợ mộc, thợ xây phải nể.

Rồi ông cất riêng một căn nhà để làm chỗ cho chim. Đó là thế giới riêng “bất khả xâm phạm” của ông và đám dồng dộc. Ông nói thân thiết cỡ nào ông cũng không cho vào. Có khi ông ăn ngủ lại đó, để “nghiên cứu” chim dồng dộc... Ông kể, gần đây có người đặt vấn đề mua bộ sưu tập tổ chim dồng dộc của ông về để... kinh doanh. Ông trả lời bao nhiêu cũng không bán. Ông nói đến lúc này ông không còn chỉ muốn sưu tầm nữa mà đang ấp ủ xây dựng không gian sống tự nhiên cho loài chim gắn liền với làng quê VN thanh bình này. 

Tiến Trình

>> Đàn bồ nông quý hiếm bay về vườn chim Bạc Liêu
>> Quản lý bền vững vườn chim Bạc Liêu
>> Vườn chim trong lòng thành phố 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.