Chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) được xây dựng năm 1912, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3.1914. Chợ rộng 13.056m2 có 4 cửa là 4 mặt đường buôn bán rất sầm uất. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của TP.HCM và được xem là biểu tượng của Sài Gòn. Năm 1985, chợ tiến hành sửa chữa lớn, đến năm 1992 tiếp tục cải tạo sửa chữa một vài hạng mục. Chợ hiện có 1.439 sạp và 9 cửa hàng lớn của các công ty thương nghiệp với hàng trăm sạp. Từ năm 2002, chợ Bến Thành mở thêm vào ban đêm với 270 sạp, chủ yếu bán thức ăn và hàng lưu niệm, giày dép... |
Theo các tiểu thương, thông tin xây lại chợ Bến Thành họ cũng chỉ biết từ một số tờ báo. BQL chợ cho biết, suốt 70 năm (trước khi sửa chữa lớn năm 1985), tiểu thương ở chợ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp. Đầu những năm 90, BQL chợ ký với tiểu thương hợp đồng sử dụng sạp thời hạn 5 năm, sau đó khi đến hạn các sạp tự động đến gia hạn. Và đó là căn cứ pháp lý duy nhất để tiểu thương chứng nhận quyền sử dụng sạp của mình trong mua bán, sang nhượng, tặng cho... Và họ đang băn khoăn nếu xây mới thì "sổ đỏ" này được tính ra sao, bởi theo thông tin truyền miệng thì mỗi sạp chợ Bến Thành hiện nay giá sang nhượng đã từ vài chục đến hàng trăm cây vàng.
"Giả sử có việc xây mới lại chợ thì cũng phải mất vài năm mới có thể tiến hành được" - ông Phạm Văn Tân nói - "Ít nhất, theo tôi phải qua 6 bước: đầu tiên phải tranh thủ được sự chấp thuận của các ban ngành (tại địa phương và cấp cao hơn), sau đó mới tiến hành khảo sát lập dự án. Dự án phải thuyết minh và được chấp thuận từ các ngành chức năng. Khó khăn hơn cả là việc họp tiểu thương để tiến hành giải tỏa, sau đó mới đấu thầu chọn đơn vị thi công xây dựng, rồi tái bố trí tiểu thương vào chợ... Mỗi công đoạn là một câu chuyện phức tạp chứ đâu phải muốn là xây ngay". Về thông tin đã có một vài mô hình chợ cũng như một số ý kiến đề nghị xem xét việc bảo tồn di tích văn hóa lịch sử, ông Tân cho biết: "Đó có thể mới chỉ là ý kiến chủ quan của những đơn vị đang đề nghị xây lại chợ mà quận đang xem xét. Còn quan điểm bảo tồn di tích lịch sử thì tôi xin nói thẳng là họ chưa cập nhật, bởi cho đến giờ chợ Bến Thành chưa có một giấy tờ nào chứng nhận di tích văn hóa lịch sử, kể cả cấp quận. Nó chỉ là chợ truyền thống mà "thương hiệu" được lưu giữ trong tâm thức mọi người".
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thông tin xây mới chợ Bến Thành xuất phát từ việc xây dựng ga số 1 tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài khoảng 19,7 km. Theo quy hoạch, tuyến metro bắt đầu từ khu vực vòng xoay Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành), kết thúc ở Bến xe Suối Tiên, Q.9. Ga số 1 là ga ngầm, vì đoạn đầu của tuyến metro đi ngầm dưới đường Lê Lợi, qua bên hông Nhà hát Thành phố, qua trụ sở Công ty điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu, qua FAFILM đến khu vực Nhà máy Ba Son. Từ sau ga số 3 (ga Ba Son), tuyến chuyển sang từ đi ngầm sang đi trên cao. Việc xây dựng nhà ga số 1 có làm ảnh hưởng đến hoạt động của chợ Bến Thành hay không? Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tới giờ chưa có một cuộc khảo sát nào liên quan đến quy hoạch không gian ngầm ở khu vực ga số 1 trước chợ Bến Thành, cho nên chưa thể nói có ảnh hưởng đến hoạt động của tiểu thương ngôi chợ này hay không. Câu trả lời phải chờ sau khi đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát, lập xong quy hoạch không gian ngầm ở khu vực này. Hiện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đang tìm thuê đơn vị tư vấn để thực hiện công việc này.
H.S- M.V
Bình luận (0)