Xây tổ ấm trong… bệnh viện

20/11/2015 09:03 GMT+7

Cùng cảnh sống xa nhà, xa quê, thấu hiểu nghề nghiệp của nhau nên nhiều nhân viên tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, Bình Phước) đã yêu nhau, xây tổ ấm ngay trong bệnh viện.

Cùng cảnh sống xa nhà, xa quê, thấu hiểu nghề nghiệp của nhau nên nhiều nhân viên tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, Bình Phước) đã yêu nhau, xây tổ ấm ngay trong bệnh viện.

Trần Thị Ngãi và Đỗ Văn Cường hạnh phúc bên con gái - Ảnh: Như Lam
Trần Thị Ngãi và Đỗ Văn Cường hạnh phúc bên con gái - Ảnh: Như Lam
Bén duyên từ cái tết xa nhà
Tính đến nay, đã có 46 cặp đôi yêu nhau, lấy nhau tại Bệnh viện Nhân Ái (trên tổng số 275 công nhân viên đang làm việc tại đây). Hầu hết các cặp đôi đang trong độ tuổi rất trẻ. Họ sống giản dị mà đầm ấm, hạnh phúc bên nhau trong những khu nhà ở tập thể của bệnh viện - nơi đang chăm sóc, điều trị cho gần 300 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối .
Một trong những cặp mới cưới là đôi vợ chồng Vũ Hữu Dũng (25 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi), cùng quê Đắk Lắk. Dù đã làm đám cưới hồi tháng 8.2015 nhưng Dũng và Ngọc vẫn còn ở riêng (mỗi người sống tập thể với các đồng nghiệp) do chưa xin được phòng phù hợp .
Mắt lấp lánh niềm vui, Ngọc cho biết cô “đầu quân” vào bệnh viện từ tháng 8.2013. Hiện cô là điều dưỡng khoa săn sóc đặc biệt. Ngọc chia sẻ: “Lúc mới vào, em nhớ nhà lắm. Vậy mà cái tết xa nhà đầu tiên, em phải ở lại trực. Suốt cái tết ấy, ba mẹ em ngày nào cũng gọi điện hỏi sao con chưa về nhà? Bạn bè thì réo bảo mày làm gì dữ vậy mà giờ này chưa thấy mặt? Vừa nôn về vừa nhớ nhà nên ngoài lúc chăm sóc bệnh nhân, em hay khóc thầm”.
Quay qua nhìn chồng, Ngọc kể tiếp: “Năm đó anh Dũng cũng ở lại trực cùng ca với em. Hai đứa lại cùng quê nên hay động viên nhau. Ngày mùng 2 tết, chúng em ra ca. Vì sợ tết không có xe ô tô về nên anh Dũng rủ em đi xe máy. Cùng nhau vượt hơn 200 km, chúng em có dịp tâm sự nhiều. Tình cảm của chúng em cũng nảy nở từ đó”.
Theo “tiết lộ” của cặp đôi Dũng - Ngọc, tình yêu của những nhân viên y tế ở đây cũng rất đơn giản. Không cà phê hay đi xem phim như những lứa đôi thường thấy ngoài đời. Mà nói cho ngay, bệnh viện nằm ở nơi khá hẻo lánh, xung quanh là đồi núi, hồ thủy điện nên họ cũng hiếm có dịp đến các điểm vui chơi giải trí. Đôi vợ chồng này cho biết, họ thường tận dụng thời gian sau ca trực hẹn hò ngay trong khuôn viên bệnh viện. Câu chuyện của họ cũng thường xoay quanh những bệnh nhân AIDS.
Cưới nhau năm 2013, đến nay cặp vợ chồng Nguyễn Tất Thành (29 tuổi, quê Nghệ An) và Đặng Thị Ngọc Nguyên (30 tuổi, quê Ninh Thuận) đã có con trai đầu lòng được gần 1 tuổi. Để tiện cho công việc, anh Thành đón mẹ vợ vào ở cùng để phụ chăm con và cũng là để bà được gần cháu.
Anh Thành là tài xế lái xe cấp cứu, còn chị Nguyên hiện là điều dưỡng khoa nội tổng hợp. Âu yếm nhìn vợ, anh Thành cho biết: “Có vợ làm cùng cũng nhiều thuận lợi lắm. Công việc khó khăn đã có vợ cảm thông mà không cần giải thích nhiều. Ngược lại, nhờ hiểu công việc của vợ, nên khi vợ tiếp xúc với các bệnh nhân có HIV, tôi cũng yên tâm”.
Anh Thành thú thực: “Trước khi yêu Nguyên, tôi đã có người yêu ở quê. Tuy nhiên, tôi không nói với bạn gái về công việc của mình vì sợ cô ấy không chấp nhận. Bởi vậy, khi cưới được Nguyên, tôi thấy trân trọng và yêu cô ấy nhiều hơn”.
Yêu người, yêu nghề
Với đôi vợ chồng Trần Thị Ngãi (25 tuổi, quê Nghệ An) và Đỗ Văn Cường (30 tuổi, quê Sơn La) thì quá trình yêu nhau trước đây anh Cường vui vẻ: “Ngãi từng học Trung cấp Y tế Phú Thọ. Tình cờ một lần Ngãi vào bệnh viện thăm chị gái công tác tôi gặp được và yêu Ngãi ngay từ đó. Dù yêu và rất muốn ở gần nhưng tôi không dám ngỏ lời bảo Ngãi vào nam vì bệnh viện nằm ở nơi heo hút điều kiện sinh hoạt, ăn ở lại còn nhiều khó khăn. Vả lại tôi biết tính Ngãi nếu cô ấy không muốn thì dù tôi có thuyết phục cũng không có kết quả. Nhưng sau đó thật may mắn cô ấy quyết định chuyển vào làm tại bệnh viện này với lý do yêu nghề và yêu cả con người ở đây. Quyết định của Ngãi đã biến ước mơ bấy lâu nay cửa tôi thành hiện thực. Tôi bây giờ có vợ hiền một cô công chúa nhỏ xinh đẹp. Có anh chị em trong khu tập thể vừa là người thân vừa là hàng xóm tốt. Với tôi cuộc sống như bây giờ là hạnh phúc viên mãn”.
Chị Ngãi bộc bạch thêm: “Mọi người ở đây sống với nhau rất tình cảm. Con cái là con cái chung. Đám nhóc của cả xóm gọi chung chúng tôi là ba mẹ. Chúng tôi cũng coi chúng như con cái anh em một nhà. Đi làm về dù mệt tới đâu nhưng nghe thấy tiếng tụi nhỏ chơi đùa thấy vui lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.