Xe ba bánh nuôi tài năng

10/01/2008 01:00 GMT+7

Chuyện cấm lưu thông xe ba bánh, xe tự chế ở các thành phố lớn đang tạo sự quan tâm lớn trong xã hội. Như tại TP.HCM, thì số lượng những gia đình phải sống nhờ vào những phương tiện giao thông sắp bị cấm này phải kể tới con số hàng vạn.

Trong số đó, những người đồng hương Quảng Ngãi của tôi không phải là ít.

Nghe nói, để chuẩn bị cho chương trình truyền hình Tết Mậu Tý, Đài PT-TH Quảng Ngãi đã cử hai đoàn phóng viên ra Hà Nội và vô Sài Gòn để làm phóng sự về cuộc sống của những người Quảng Ngãi ở hai thành phố lớn ấy. Nếu được bình chọn một người Quảng Ngãi (từng) đạp xe xích lô tiêu biểu tại Sài Gòn, tôi sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho người cha của tiến sĩ toán học Lê Quang Nẫm - quê Đức Phổ. Nếu không có người cha lao động quên mình vì tương lai của con cái như thế, làm sao chúng ta có được một học sinh giỏi toán tầm quốc tế, một sinh viên toán xuất sắc và bây giờ là một tiến sĩ toán học, hứa hẹn sẽ là một nhà toán học tài ba trong tương lai gần? Cha của Nẫm vào Sài Gòn chỉ với mục đích đạp xích lô kiếm tiền nuôi con học đại học.

Mặc dù sau đó Lê Quang Nẫm đã nhận được nhiều học bổng có giá trị cao để tiếp tục theo đuổi toán học, nhưng những đồng tiền đầu tiên nuôi em học đại học tại Sài Gòn chính là những đồng tiền lẻ đẫm mồ hôi của người- cha-đạp-xích-lô. Tôi nghĩ, nên có hình thức tôn vinh những người ly hương đạp xích lô hay bán trứng cút tại Sài Gòn để nuôi con ăn học, mà trong số con của họ có những người là sinh viên xuất sắc và hứa hẹn sẽ là những tài năng trên nhiều lĩnh vực.

Chiếc xe xích lô hay ba gác là những phương tiện cần được biết ơn vì đã nuôi sống biết bao gia đình nghèo, và nuôi lớn biết bao những sinh viên những tài năng trẻ cho xã hội. Những người phải ly hương vào những thành phố lớn kiếm sống, tuyệt đại đa số họ đều lao động lương thiện, đều quá mức chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm để nuôi sống cả gia đình ngoài quê, và nhất là nuôi những đứa con học đại học ngay tại Sài Gòn. Tôi nhớ, có lần trong câu chuyện vui, nhà văn Nam Bộ Nguyễn Quang Sáng đã bày tỏ lòng khâm phục chân thành với những người lao động quê miền Trung đang ở Sài Gòn: "Họ lao động đầu tắt mặt tối để nuôi con ăn học. Còn gì đẹp hơn thế?".

Vậy mà sắp tới, họ sắp rơi vào nghịch cảnh!

Cần có một chính sách hỗ trợ thỏa đáng, một "lộ trình" bài bản cho những người lương thiện khi buộc họ phải từ giã phương tiện mưu sinh duy nhất của họ.

 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.