(iHay) Nếu chưa từng thử qua, chắc hẳn bạn sẽ thấy khó hiểu khi một xe bánh mì không tên, có phần hơi cũ kỹ lại có không dứt lượt mua.
>> Mê mẩn bánh mì cay Hải Phòng
>> Chuyện lạ Sài Gòn: Kiên nhẫn chờ 30 phút để mua một ổ bánh mì
>> Hoãn bay chờ phi công... mua bánh mì
|
Nôn nóng tham quan các điểm đến của thành phố Vũng Tàu, tôi có ý định chỉ ăn vội một ổ bánh mì cho bữa sáng. Khi nghe nói tôi muốn ăn món này, anh bạn “thổ địa” liền chỉ đường đến xe bánh mì ở góc Lý Thường Kiệt - Đồ Chiểu, không thêm bất cứ lời giải thích hay giới thiệu nào.
Nằm ngay góc phố nhuốm màu thời gian là 2 tủ kính nhỏ, không biển hiệu, không tên tuổi. Thế mà chẳng hiểu sao lại có nhiều khách đứng xếp hàng đợi mua, người này vừa đi thì 2,3 người khác lại đến.
Hầu hết khách mua bánh đều là người địa phương. Hỏi ra mới biết có người gắn bó với xe “bánh mì không tên” này từ thuở nhỏ, có người ngày nào cũng ăn, mới ăn xong đã thèm lại, họ bảo bánh mì ở đây có hương vị đặc biệt mà không nơi nào khác có được.
|
Chủ xe bánh mì là cô Hường, tuổi trên dưới 55, nhanh nhẹn cắt cắt, nhét nhét, chan chan rồi chuyển sang cho cô con gái thêm rau ớt và gói lại. Quy trình đó cứ lặp đi lặp lại khoảng hơn chục lần thì đến lượt mua của tôi.
Ổ bánh mì thập cẩm của cô Hường có rất nhiều loại nhưn: Đầu tiên là patê đậm đà được làm bằng công thức đặc biệt, thoang thoảng hương bột quế; tiếp đến là chả lụa và thịt ba chỉ hầm với bí quyết ướp thịt gia truyền độc quyền; rồi đến từng viên xíu mại thơm mềm, ngọt thịt góp thêm hương vị. Bên cạnh thịt ba chỉ thì nước xốt chính là điểm nhấn làm nên sự khác biệt của bánh mì cô Hường. Cô nói nước xốt này là nước hầm thịt ba chỉ, sau khi chắt lọc tinh túy từ mấy chục kg thịt, nước hầm được nêm nếm gia vị, thêm một số nguyên liệu như thịt gà xé, hành, nấm,… cuối cùng cho ra một thứ nước xốt sền sệt, thơm ngọt làm nức lòng bao tín đồ bánh mì của phố biển.
|
Vừa cho từng loại nhưn vào bánh mì, cô Hường vừa chia sẻ: xe bánh mì này đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước, do mẹ của cô “sáng lập”. Cô Hường theo mẹ bán bánh mì từ nhỏ, đến khi bà cụ sang thế giới khác, hai chị em cô Hường cũng theo nghiệp buôn bán của mẹ. Nhờ bàn tay khéo làm khéo nấu của hai thế hệ nên hơn nửa thế kỷ nay, góc đường này vẫn luôn tấp nập người mua.
|
Chỉ khi cầm ổ bánh mì tròn dài trên tay, cắn vào tầng tầng lớp lớp các loại nhưn nằm gọn trong vỏ bánh mì giòn rụm, bạn mới hiểu vì sao không cần bảng tên, không cần lời giới thiệu mà bánh mì cô Hường vẫn luôn đông khách. Chả lụa, xíu mại, patê đều thơm ngon mà lại lạ miệng, thịt ba chỉ vừa thơm mềm vừa béo ngọt, nước xốt đậm đà thấm đều trên từng ngóc ngách của ổ bánh mì nóng giòn. Sự “góp mặt” của hành, ngò xanh mướt, đồ chua giòn giòn và ớt sừng cay cay càng làm cho ổ bánh mì trứ danh thêm tròn vị. Đám bạn tôi ăn lần đầu phải thốt lên: “Đây là ổ bánh mì ngon nhất tui từng ăn!”
|
Một người bạn của cô Hường cho biết, cô chọn lựa nguyên liệu rất kỹ, dậy từ 1 giờ sáng để kỳ công chế biến các loại nhưn. Cô đã dành hết cái tâm của người bán vào từng ổ bánh mì, và cái cô nhận lại chính là sự ủng hộ tận tâm tận tình từ thực khách. Khách của cô hầu hết là “khách ruột”, nên dù có phải đợi đến 15-20 phút mới cầm được ổ bánh mì trên tay, họ cũng chẳng phàn nàn. Cô Hường dọn hàng mở bán từ sáng sớm, đến khi mặt trời chưa đứng bóng là đã hết sạch. Có hôm mới hơn 10 giờ sáng mà xe bánh mì đã trống trơn, “khách ruột” lỡ ghé muộn phải gác lại cơn thèm, lủi thủi ra về, chiều lại ra ủng hộ em gái cô Hường, bán từ 5 giờ chiều đến tối.
|
Nếu có dịp ghé qua Vũng Tàu, nhớ bỏ túi 15.000 đồng, đến góc đường Lý Thường Kiệt - Đồ Chiểu vào “giờ vàng” để thưởng thức bánh mì không tên nhưng nổi danh nhất phố biển.
Tuy nhiên, anh bạn "thổ địa" của tôi cũng khuyến cáo thêm, với những du khách khắt khe về "vệ sinh an toàn thực phẩm" thì xe bánh mì cô Hường có lẽ không phải là lựa chọn phù hợp.
Phạm Như Quỳnh
>> Làm bánh mì ngọt cho buổi sáng tuyệt vời
>> Mê mẩn bánh mì cay Hải Phòng
>> Làm bánh mì burger ăn Tết
>> Thơm lừng bánh mì hoa trong ngõ nhỏ Hà Nội
Bình luận (0)