Xe buýt đang xuống cấp

20/02/2011 08:42 GMT+7

(TNO) Mỗi lần tăng tốc rời trạm, “trâu sắt” (xe buýt) lại rú lên xịt ra khói đen ngòm. Có xe đang chạy bỗng nhiên bốc khói làm người đi đường một phen hú vía.

Bỗng dưng bốc khói

Một buổi sáng, trên đường Võ Văn Tần (P.6, Q.3, TP.HCM), người đi đường hoảng hốt khi xe buýt biển số 53N-3839 của Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Vận tải TP.HCM đang lưu thông bỗng dưng bốc khói.

Hàng chục hành khách đi trên xe buýt này đã được chuyển sang một chiếc xe buýt khác để tiếp tục cuộc hành trình, trong khi tài xế và phụ lái chạy vào nhà dân xin nước để làm nguội máy.

Điều dễ nhận thấy là xe buýt với màu sơn đặc trưng trắng - xanh hoạt động trên đường phố tại TP.HCM đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn bề ngoài, nhiều chiếc xe buýt chẳng khác nào xe “nghĩa địa” với lớp sơn “tróc vẩy” lộ ra lớp sắt rỉ, mục lớp áo ngoài, kiếng xe vỡ được vá víu nham nhở.

Nhiều xe bị vỡ đèn đã được chủ xe dùng băng keo dán lại. Khi lưu thông, lớp băng keo bung ra làm hộp đèn treo lủng lẳng.

“Nội thất” xe buýt cũng không hơn gì: lớp nệm ghế rách nát, bong tróc, máy lạnh lúc có lúc không… và đặc biệt khi xe buýt tăng tốc, khói đen nghịt thải ra phả vào mặt người đi xe gắn máy.

Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ xe kiêm lái xe buýt thuộc HTX Quyết Thắng cho biết, không giống như xe khách có thể thu “tiền tươi” ngay trong ngày, tiền lãi thu được từ hoạt động kinh doanh xe buýt chỉ được cấp vào mỗi tháng, mỗi quý khi tiền trợ giá được rót về.

Do vậy, những hỏng hóc phát sinh trong quá trình vận hành xe buýt thường được vá víu tạm thời dựa trên “nguyên tắc” càng chi ít tiền sửa chữa càng tốt.


"Trâu sắt" đang chạy bỗng dưng bốc khói khiến tài xế, phụ xe phải khẩn cấp làm mát máy - Ảnh: Trần Duy

Hơn nữa tầng suất “cày” dày đặc của xe buýt trên tuyến mỗi ngày khiến chủ xe ít có thời gian để “trau chuốt” hơn cho “trâu sắt”. Chính vì vậy, hàng trăm xe buýt tại thành phố đang bước vào giai đoạn rệu rã, chờ đại tu hàng loạt.

Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM, hàng trăm xe buýt của các xã viên trong khối liên hiệp được đầu tư trong giai đoạn 2002 - 2004 đều đang xuống cấp. Những phương tiện này nằm trong chương trình hỗ trợ cho vay lãi suất trong 10 năm do UBND TP.HCM chủ trì. 

Trở lại “lịch sử” phát triển hệ thống xe buýt - thường được biết đến với tên gọi “phương tiện vận tải hành khách công cộng” tại TP.HCM - phần lớn số xe này được đầu tư và đưa vào hoạt động từ năm 2002, thay thế cho loại xe “lam” có trước năm 1975.

Vào thời điểm ấy, TP.HCM có khoảng 600 xe buýt loại 17-39 ghế và đa phần đều… hết hạn sử dụng. Xác định loại hình vận tải hành khách công cộng phải đóng vai trò lớn cho việc đi lại của người dân thành thị, UBND TP.HCM đã đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xe buýt.

“Bỏ của chạy lấy người”

Đến nay, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), thành phố có khoảng 2.988 xe buýt đang hoạt động trên 148 tuyến, giảm 108 xe so với năm 2009.

Số lượng xe buýt giảm ngoài lý do phương tiện xuống cấp, các xã viên, chủ xe “bỏ của chạy lấy người” bằng cách bán hoặc sang tên cho người khác lấy tiền trả ngân hàng vì đầu tư vào lĩnh vực này không sinh lãi.

Một chủ nhiệm HTX xe buýt cho rằng, do hoạt động không có lãi nên xã viên không có vốn tích lũy để tái đầu tư, nâng cấp, đại tu khi phương tiện hư hỏng lớn.

Điều này khiến phát sinh nhiều tiêu cực trong lĩnh vực xe buýt như tiếp viên không xé vé, chủ xe không mở máy lạnh để tiết kiệm nhiên liệu, phân biệt đối xử với hành khách đi vé bán trước, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh vượt ẩu…

Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM từng thừa nhận chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được cải thiện đáng kể. Giá nhiên liệu, giá phụ tùng xe, tiền lương… tăng, trong khi giá vé vẫn giữ nguyên nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí trợ giá xe buýt và hiệu quả hoạt động của hệ thống xe buýt.

“Trách nhiệm khi xe buýt xuống cấp hàng loạt nhưng không được đại tu kịp thời thuộc về ai?”, một lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, đại tu xe buýt là việc làm thường xuyên và trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải vì đơn giá chi phí vận chuyển hành khách bằng xe buýt do UBND TP.HCM phê duyệt đã bao gồm chi phí bảo dưỡng.

Ngoài ra, Sở GTVT là cơ quan quản lý nhà nước nên không hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị vận tải phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.


Chiếc xe buýt hư hỏng dọc đường chờ sửa chữa - Ảnh: Trần Duy

Ngành vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM vẫn quyết tâm hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu vận chuyển 544 triệu lượt khách và nâng cao chất lượng dịch vụ trong năm 2011.

Sở GTVT đã trình UBND TP.HCM phê duyệt đề án đầu tư phát triển xe buýt đến năm 2015 trong nỗ lực thu hút người dân thành phố sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Từ nay đến năm 2012, thành phố cũng cần đầu tư đổi mới hơn 600 xe buýt loại 40 đến 80 chỗ. Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục cơ chế hỗ trợ đầu tư một phần lãi vay cho các tổ chức và cá nhân tự đầu tư đổi mới xe buýt hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Thế nhưng, đó là những chuyện tương lai. Còn hiện tại, khi xe buýt đang xuống cấp trầm trọng, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được cải thiện thì khẩu hiệu “Nào ta cùng buýt” mà ngành giao thông thành phố đưa ra khó có thể kêu gọi người dân bỏ xe máy, xe cá nhân bước chân lên xe buýt.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.