Tuyến QL14D từ xã Cà Dy (H.Nam Giang, Quảng Nam) đi lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang ở biên giới Việt - Lào dài khoảng 74,4 km, rộng 6,5 m. Sau thời gian dài "oằn mình" gánh hàng trăm chuyến xe siêu tải trọng chở quặng nhôm bauxite quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng.
"CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ"
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ cuối tháng 5.2023 đến nay, các đoàn xe chở quặng nhôm bauxite từ Lào quá cảnh Việt Nam xuất đi Trung Quốc liên tục "cày xới" khiến tuyến QL14D từ khu vực Bến Giằng (xã Cà Dy) lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng hư hại nghiêm trọng. Rất nhiều đoạn đường bề mặt nhựa bị bong tróc, trơ lớp đá dăm ngổn ngang, chi chít ổ gà, ổ voi... Tại vị trí các khúc cua, mặt đường nham nhở, hư hỏng gần như cả làn đường.
Tại khu vực trung tâm xã Chà Vàl (H.Nam Giang) và nhiều đoạn khác, hàng loạt ổ voi xuất hiện, chiếm cả bề ngang mặt đường, nước đọng thành ao sâu hoắm khiến xe tải và container rất vất vả để né nhau. Ngoài ra, tuyến QL14D có rất nhiều đèo quanh co, dốc cao với nhiều khúc cua gấp và vực sâu hiểm trở.
Anh Bhnước Ngân (45 tuổi, ở xã Chà Vàl, H.Nam Giang) cho biết tuyến QL14D vốn dĩ đã hẹp, gần đây lại còn bị cày nát bởi các xe tải, xe đầu kéo liên tục lên xuống cửa khẩu quốc tế Nam Giang. "Không có con đường nào chịu nổi khi mỗi ngày phải "oằn mình" với hàng trăm phương tiện trọng tải nặng qua lại kiểu đó cả. Trước đây, khi xe chở quặng nhôm bauxite từ nước bạn Lào quá cảnh Việt Nam chưa hoạt động, nếu đi từ trung tâm xã Chà Vàl lên cửa khẩu quốc tế chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, nay thì tốn thời gian gấp đôi. Tuyến đường này mùa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bay mù mịt, trở thành con đường đau khổ và là nỗi ám ảnh của người dân vùng biên", anh Bhnước Ngân nói.
Theo anh Bhnước Ngân, hiện nay lượng xe tải hạng nặng lưu thông qua lại quá lớn nên mỗi lần gặp xe tải lưu thông, người dân phải cho xe tấp vội vào lề đường, "nín thở" chờ. "Nếu người dân vùng biên bị bệnh nặng, muốn đưa xuống trung tâm cấp cứu nhưng với tuyến đường đã xuống cấp như hiện nay thì thời gian chờ xe ô tô lên chở là rất lâu. Chưa kể trường hợp không may xe đầu kéo gặp sự cố lật ngang đường thì không thể nào qua lại được. Khi "giờ vàng" cấp cứu đã qua đi thì tính mạng bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm", anh Bhnước Ngân chia sẻ thêm.
Ông Tơ Đêl Sơn, Chủ tịch UBND xã Chà Vàl, cho hay tuyến QL14D khá nhỏ, hư hỏng nặng, người dân phải đối diện nguy cơ tai nạn giao thông mỗi khi dòng xe chở quặng nhôm bauxite với tải trọng khoảng 30 tấn liên tục lưu thông qua cửa khẩu. "Từ khi xe chở quặng nhôm bauxite quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tai nạn giao thông trên địa bàn xã liên tục tăng. Điều người dân bức xúc còn vì các phương tiện lưu thông xuyên đêm, gây tiếng ồn lớn. Việc tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thông vận tải giữa 2 nước Việt - Lào cũng như việc đi lại của người dân các xã vùng cao, vùng biên giới", ông Tơ Đêl Sơn nói.
"OẰN MÌNH" GÁNH ĐOÀN XE TẢI TRỌNG LỚN
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang cho biết tính từ đầu năm đến cuối tháng 11.2023, có hơn 8.200 lượt phương tiện quá cảnh qua cửa khẩu với tải trọng gần 300.000 tấn, chủ yếu là quặng nhôm bauxite và một số bột sắn. Tuyến đường này do Bộ GTVT quản lý, nhưng UBND tỉnh Quảng Nam cũng rất "sốt ruột" trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường nên liên tục gửi văn bản kiến nghị lên trung ương.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch UBND H.Nam Giang, thừa nhận tuyến QL14D hư hỏng rất trầm trọng, các vị trí khúc cua bị xe hạng nặng ủi nát... "QL14D là tuyến đường huyết mạch lên 8 xã vùng cao của huyện và tuyến thông thương giữa các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan. Việc tuyến đường hư hỏng, xuống cấp cũng là một nguyên nhân gây hạn chế trong thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, huyện mong muốn UBND tỉnh kiến nghị với T.Ư sớm có cơ chế đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lại tuyến đường này", ông Chương nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện nay lưu lượng xe chở hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang về cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) ngày càng nhiều và có xu hướng tăng cao. Trong khi đó, QL14D được xây dựng từ năm 2002, với quy chuẩn đường cấp thấp, nay "gánh" tải trọng lớn nên càng xuống cấp. Đáng chú ý, từ đầu tháng 8.2023 đến nay, đoàn xe chở quặng nhôm bauxite từ Lào mỗi ngày có đến hơn 200 lượt qua lại tuyến đường này.
Ông Thanh cũng nhìn nhận với lưu lượng xe tải tăng cao và duy trì ở mức như hiện nay thì QL14D không bảo đảm an toàn lưu thông. Kết cấu mặt đường không đáp ứng được trọng tải và lưu lượng xe nên tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra. Vì vậy, tuyến đường này cần sớm được sửa chữa, cải tạo. "Mới đây, Sở GTVT đã thành lập tổ hỗ trợ với nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt, xử lý tình hình giao thông trên QL14D, nhất là các tình huống tai nạn xảy ra gây ùn tắc...", ông Thanh thông tin thêm.
SẼ BẢO TRÌ TRONG NĂM NAY
Mới đây, Bộ GTVT có công văn gửi Cục Đường bộ VN về việc bổ sung danh mục công trình chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2024. Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận kiến nghị bố trí 145 tỉ đồng trong kế hoạch bảo trì năm 2024 để sửa chữa, mở rộng nền, mặt đường và cải thiện đường cong nằm bán kính nhỏ. Đồng thời, đã giao Cục Đường bộ VN tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư (báo cáo kinh tế - kỹ thuật) làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2024 theo quy định…
CẦN NÂNG CẤP, MỞ RỘNG TUYẾN QL14D
UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT… báo cáo kết quả nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp tuyến QL14D trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp QL14D nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Trong trường hợp này, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2025) đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)