Nhiều xe cứu thương gắn biển trắng, không có logo của phòng khám hay doanh nghiệp vận tải nào, nhưng vẫn lắp còi hụ, đèn xoay, thậm chí giả danh Cấp cứu 115, để hoạt động quanh các bệnh viện và ngang nhiên làm giá, “chặt chém” gia đình bệnh nhân tại Hà Nội.
Xe cứu thương “dù” chuyển bệnh nhân - Ảnh: Nam Anh
|
Mới đây, ngày 26.3, Công an Q.Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với 3 người do có liên quan tới vụ ẩu đả, gây rối trật tự công cộng trước cổng ra vào Bệnh viện (BV) Việt Đức. Theo đó, 3 người này đã tấn công tài xế xe cứu thương chở bệnh nhân do không chịu trả đủ số tiền vé ra vào cổng mà bảo vệ BV đã cùng nhau “quy định”. Theo đó, dù là xe taxi, xe tư nhân, hay xe cứu thương khi ra vào viện đều phải nộp số tiền từ 30.000 - 50.000 đồng… Tuy nhiên, việc thu tiền không hề có biên lai thu. Và đây được coi là kẽ hở để xe cứu thương “dù” hoạt động.
Loạn xe cứu thương “dù”
Sau nhiều ngày tìm hiểu tại những khu vực quanh các BV lớn ở Hà Nội như: Việt Đức, Nhi, Phụ sản, 198, Bạch Mai, chúng tôi phát hiện không ít vấn đề liên quan đến xe cứu thương “dù”. Cụ thể, tại bãi gửi xe trước và sau BV Việt Đức luôn xuất hiện rất nhiều xe cứu thương đeo biển trắng như: 29A-66xxx, 29A-650xx, 29U-37xxx… gắn còi hụ, đèn xoay và dòng chữ Cấp cứu 115, cùng số điện thoại di động để người nhà bệnh nhân tiện liên hệ. Thế nhưng tất cả những chiếc xe này lại không hề có logo của BV, phòng khám hay doanh nghiệp vận tải nào.
|
Ngày 27.3, trong vai người nhà của bệnh nhân ở Khoa Chấn thương chỉnh hình (BV Việt Đức) bị bó bột 2 chân, cần xe vào tận trong khuôn viên BV đón về TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) điều trị tiếp, chúng tôi bị tài xế chiếc xe cứu thương mang BKS 29U-37… đòi giá đến 5 triệu đồng.
Thấy chúng tôi không mặn mà với cái giá vừa đưa ra, tài xế viện lý do “đường về Quảng Ninh rất xa. Trời đã gần tối. Hơn nữa, xe BV cũng không còn chiếc nào…”. Trong khi đó, một tài xế xe cứu thương khác cũng đậu gần cổng BV Việt Đức lại cho hay: không phải ngẫu nhiên mà xe cứu thương “dù” lại có thể bắt được khách là bệnh nhân trong BV. Ngoài tiền vé vào cổng cao hơn bình thường, các tài xế và chủ xe cứu thương phải chi tiền phần trăm từng chuyến cho lực lượng bảo vệ BV cũng như đám cò mồi tụ tập nơi cổng ra vào.
Chị N.T.N, một người dân sinh sống trên phố Quán Sứ (gần cổng ra vào BV Việt Đức), cho hay chuyện những xe cứu thương “dù” “chặt chém” gia đình bệnh nhân rất phổ biến tại đây. Giữa các xe cứu thương “dù” có quy định mức giá ngầm thỏa thuận với nhau, ai phá giá sẽ bị “xử đẹp”. “Tôi đã chứng kiến cánh chạy xe cứu thương này chửi bới, dọa nạt và đánh đập nhau vì tranh giành khách”, chị N. nói. Chị N. cho biết thêm quanh khu vực BV có hẳn một nhóm người chuyên bảo kê cho xe cứu thương “dù” hoạt động. Nhiều người dân và nhân viên làm trong BV biết rõ tình trạng trên nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù.
Tương tự, tại khu vực BV Bạch Mai, BV Nhi, Bệnh viện Phụ sản…, chúng tôi cũng phát hiện không ít xe cứu thương “dù” hoạt động. Trong vai người nhà bệnh nhân, muốn đưa cháu nhỏ tại BV Nhi về H.Mỹ Đức (TP.Hà Nội), chúng tôi tìm đến hỏi xe 29A-23… đậu không xa cổng ra vào BV này. Tài xế đòi đủ 1 triệu đồng, thiếu một nghìn cũng không chạy. Tuy nhiên, theo lời chị Lê Thị Nhung, chủ quán nước đối diện cổng BV Nhi, cho biết: “Làm gì có chuyện chém người ta với giá cắt cổ như vậy? Giá cước vận chuyển bệnh nhân ở đây tính chỉ ngang với giá cước taxi, khoảng 12.000 đồng/km đầu, sau đó sẽ giảm dần xuống còn 7.000 đồng/km”.
“Công nghệ” lên đời xe cũ thành xe cứu thương
Anh T.M.N (52 tuổi, ngụ TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Giám đốc một công ty vận tải có tiếng tại Quảng Ninh, cho hay trước đây, chỉ trong ít năm điều hành cả chục xe cứu thương “dù” chuyên chở bệnh nhân, anh này đã mua được đất và xây khu nghỉ dưỡng nằm ven bãi biển. Theo đó, các đầu xe cứu thương của anh N. trước kia chuyên chở bệnh nhân từ Quảng Ninh lên các BV lớn tại Hà Nội và ngược lại. Giờ đây, khi đã bán đi hàng chục đầu xe cứu thương “dù”, anh này mới tiết lộ về “công nghệ” lên đời ô tô cũ trở thành xe cứu thương, nhằm che mắt lực lượng chức năng.
Anh tiết lộ chỉ việc lùng mua những loại ô tô 7 - 16 chỗ đã qua sử dụng với giá chỉ vài chục triệu đồng, đem về các garage “mông má” lại cho mới và “chế” sao cho thật giống xe cứu thương của các BV. Quá trình “chế”, toàn bộ những hàng ghế sau được thợ tháo rời để chỗ làm giường nằm cho bệnh nhân. Đồng thời toàn bộ vỏ cũ được hàn gắn và sơn lại cho mới. Kế đó phải lên tận chợ trời ở Phố Hiến (Hà Nội) để mua còi hụ, đèn xoay về lắp vào xe. Cuối cùng là mua đề can cắt dòng chữ “Cấp cứu 115”, cùng số điện thoại để gia đình bệnh nhân tiện bề liên lạc. Anh N. cho biết để có thể hoạt động và bãi đậu thì phải chi phí cho đội ngũ bảo vệ trong BV. Ngoài ra, anh này còn phải “cắt phế” cho đội ngũ “cò” BV để được gọi khi có khách. Hơn nữa, muốn vào bên trong BV chở bệnh nhân, anh N. cũng phải bỏ ra chi phí từ 100.000 - 200.000 đồng/chuyến.
Bệnh viện nói khó quản lý
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính quản trị BV Việt Đức, cho biết số lượng xe của BV rất ít nên không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. “Chúng tôi đã làm đề án xin thêm xe cứu thương nhưng chưa được phê duyệt. Theo đó, BV đã huy động nhân viên của BV quyên góp để sắm thêm xe. Tuy nhiên, phương án này vẫn không khả quan, đa số nhân viên không đồng ý vì việc kinh doanh vận chuyển xe cứu thương không có lãi. Để khắc phục tình trạng trên, BV đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt về việc cung cấp 16 xe cứu thương đặc biệt”, ông Tâm nói.
Ông Tâm thừa nhận lúc cao điểm, lượng xe trên vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu của bệnh nhân. Do đó, không thể tránh khỏi bệnh nhân tự thuê xe cứu thương ngoài, không ghi rõ ràng về đơn vị chủ quản (thường gọi là xe dù). Cũng chính vì vậy mà phía BV Việt Đức cũng không thể kiểm soát được việc các xe này thu phí cao hơn nhiều so với xe của BV. “Sắp tới, BV Việt Đức sẽ kết hợp với lực lượng công an, kiên quyết vào cuộc dẹp bỏ vấn nạn xe cứu thương “dù” tại khu vực BV. Ngoài ra, trường hợp phía BV mà phát hiện bảo vệ thu phí xe trái quy định, hay làm luật với xe cứu thương ngoài thì sẽ bị xử lý nghiêm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ buộc thôi việc”, ông Tâm nói.
Khá phức tạp!? Bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng Cấp phép và quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), cho biết hiện Sở Y tế Hà Nội mới chỉ cấp phép cho Cơ sở cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân Bắc Việt. Để được cấp phép, cơ sở phải có địa điểm giao dịch; với người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi chuyên môn hồi sức cấp cứu. Các xe cấp cứu vận chuyển người bệnh phải đảm bảo đủ điều kiện về trang thiết bị, cơ số thuốc cấp cứu, băng ca, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề. “Tuy nhiên thực tế, hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh trên địa bàn Hà Nội khá phức tạp, khó khăn cho kiểm soát, quản lý bởi ngoài các xe thuộc cơ sở do Sở Y tế Hà Nội cấp phép còn có xe vận chuyển bệnh nhân do sở y tế các tỉnh cấp phép nhưng vẫn hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó nạn xe cấp cứu "dù" hiện chưa ngăn chặn được triệt để; thậm chí người của xe cấp cứu "dù" còn đánh cả nhân viên Cấp cứu 115 để giành khách hàng”, bà Hà nói. Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cơ quan y tế có trách nhiệm kiểm tra, xử lý phương tiện của các cơ sở cấp cứu vận chuyển bệnh nhân đã được cấp phép; còn với các xe lưu thông khác thì thẩm quyền thuộc lực lượng cảnh sát giao thông. Liên Châu |
Bình luận (0)