Xe đạp ở Sài Gòn

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/11/2018 17:03 GMT+7

Lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy bóng dáng nữ sinh mặc áo dài trắng, đạp xe đạp thong dong trên phố phường Sài Gòn. Có thể tôi không có duyên gặp gỡ, hoặc có thể những nữ sinh kia được cha mẹ chở đi học hết rồi…

Thử tưởng tượng, một sớm nào đó tiết trời mát mẻ, có dịp đi sau những nữ sinh đang đạp xe và cười duyên dáng với nhau, dưới những tán dầu hay chò cổ thụ, bạn sẽ thấy buổi sáng chợt trong lành, đáng yêu biết bao.
Sài Gòn thường tắc đường, khói, bụi, tiếng còi xe, tiếng ồn... đủ khiến nhiều người mệt nhoài. Sợ phải ra đường, không muốn đi đâu, ở nhà cho khỏe, đó là tâm lý của không ít người, nếu ở lâu trong thành phố này.
Jesse Peterson, chàng trai Canada có 8 năm sống ở Việt Nam, nói với tôi: “Sài Gòn tắc đường rất kinh, giao thông gần như tệ nhất thế giới...”.
Chọn đi xe đạp
Jesse đã quăng cái xe máy bị hỏng vào xó nhà, anh đạp xe đến chỗ làm, đạp xe đi gặp gỡ bạn bè, đi chợ hay đi uống cà phê... Jesse ở quận 7, có khi đạp xe tới cơ quan làm việc ở quận 3 phải mất gần 1 tiếng. Nhưng anh vẫn vui vẻ và rất hào hứng với “con ngựa sắt” của mình mỗi ngày...
Nguyễn Đức Máy, 26 tuổi, chàng trai là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang lập nghiệp tại TP.HCM với nhiều dự án khởi nghiệp, thời gian gần đây hay bỏ xe máy để đạp xe quanh thành phố. Một sáng sớm hẹn cà phê với Máy ở đường Nguyễn Du, quận 1, thấy anh ăn mặc trẻ trung, tóc làm xù theo kiểu mới, giày thể thao, và chiếc xe đạp địa hình rất chất. Máy nói, đạp xe đạp vừa là cách luyện rèn thể thao, tăng sức bền bỉ cho cơ thể, vừa thải ít khí thải, giúp bảo vệ môi trường… Trong tư duy của nhiều người trẻ hôm nay, họ không chỉ nghĩ lợi ích cho mình, mà còn nghĩ về môi trường sống, trái đất…
Bắc Kinh, Trung Quốc, thành phố hiện đại bị lên án ô nhiễm không khí trầm trọng, nhưng với dịch vụ xe đạp dùng chung thông qua ứng dụng trên điện thoại đã biến thành phố này thành "vương quốc xe đạp”. Ở nhiều quốc gia châu Âu như: Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan… nhiều người được mượn xe đạp với giá rất rẻ hoặc miễn phí, nhằm cổ vũ lối sống xanh, thân thiện với môi trường tự nhiên…

Nhìn về nhiều đô thị ở Việt Nam, xe đạp bị coi là lạc hậu, lỗi thời. Nhiều người cho rằng cuộc sống phải tiến lên phía trước, nhưng không quan tâm CO2 ngày càng thải ra không khí đậm đặc hơn, cây xanh trong thành phố ngày một ít đi còn rác thải lại nhiều lên.
Mới đây thôi, phỏng vấn nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, sau chuyến hành trình khám phá thành phố bằng xe đạp, nghe một sinh viên nói “sinh viên bây giờ cũng hiếm người đi xe đạp lắm. Nhưng từ xe đạp, em có thể ngắm nhìn những gương mặt khác nhau của thành phố. Thành phố này tưởng xô bồ, hối hả, vội vã, nhưng cũng có những khoảnh khắc trầm lắng, đáng để cho mình dừng lại”, tôi ngỡ ngàng nhận ra, à thì ra bấy lâu nay, mình cũng đã quá vội vàng.
10 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên, có một chiếc xe đạp để rong ruổi phố phường, khám phá Hà Nội đã là tuyệt cú mèo. Xe máy khì không bao giờ dám mơ, xe buýt thì thông dụng nhưng khoảng cách đi bộ từ nhà tới trạm quá xa, không thể nào len lỏi vào ngõ này, phố khác, chỉ có chiếc xe đạp là tuyệt nhất.
Chiếc xe đạp của cô bạn gái cùng phòng trọ ngày ấy theo tôi suốt 2 năm học đầu tiên, đến trường, đi gia sư, làm thêm… Tôi còn nhớ mãi, một buổi họp mặt sinh viên năm nhất, một cậu bạn đề xuất ý tưởng cả nhóm cùng nhau đạp xe lòng vòng Hà Nội. Chúng tôi đi qua Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, tháp nước Hàng Đậu… ghé cả vào kem Tràng Tiền, mỗi người chỉ dám ăn một cây vì làm gì có nhiều tiền. Cậu bạn trong nhóm tuyên bố: “Sau này tớ có bài đăng báo, tớ sẽ bao mọi người ăn kem mệt nghỉ”. Cậu bạn đó giờ là phóng viên cho một báo điện tử, bạn bè lâu rồi không gặp nhau, có khi nào bạn nhớ về xe đạp và chuyến đi năm ấy?
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.