Xe đạp… ôm

06/01/2015 10:20 GMT+7

Khách chủ yếu của xe đạp ôm là mấy bà già đi chợ, đoạn đường gần, họ không đi xe máy ôm vì sợ tai nạn và ghét đội mũ bảo hiểm.

Khách chủ yếu của xe đạp ôm là mấy bà già đi chợ, đoạn đường gần, họ không đi xe máy ôm vì sợ tai nạn và ghét đội mũ bảo hiểm.

 Ông Phạm Văn Sơn đang chở khách trên con ngựa sắt của mình.
Ông Tám và anh Được ngồi chờ khách ở chợ Trà Cổ
Chợ Trà Cổ nằm ở cây số 125, quốc lộ 20, thuộc thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (Đồng Nai) hàng chục năm qua được xem là bến xe của những người hành nghề xe đạp ôm. Ông Nguyễn Văn Tám (59 tuổi), một xe đạp ôm cựu trào với gần 30 gắn bó với nghề hào hứng kể: “Năm 30 tuổi, tôi từ Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp, mới đầu ai thuê gì làm đó. Sau thấy chạy xe đạp ôm cũng dễ sống nên quyết định chuyển nghề. Thời điểm đó chiếc xe đạp là tài sản lớn (khoảng 120 ngàn đồng) do không đủ tiền để mua nguyên chiếc nên tôi phải sắm từ từ, lúc mua cái bánh, lúc thì cái sườn về treo ở nhà. Phải cả năm sau mới gom đủ phụ tùng rồi ráp vào có được cái xe mang ra chợ Trà Cổ hành nghề”.
Nghề dựa vào độ dẻo của đôi chân
Xe đạp ôm đưa đón học sinh
Để kiếm thêm thu nhập, ngoài việc chở khách và thồ hàng, ông Tám còn bắt mối đưa đón học sinh. Do bận rộn buôn bán nên có ba gia đình đã thuê ông đưa đón con họ đi học với giá 300.000 đồng/tháng. Ông Tám cho biết, sáng 6 giờ là đạp xe chở tụi nhỏ đến trường (khoảng 3 km), lần lượt từng đứa một, chiều 4 giờ đến trường đón về, hôm nào khỏe thì chở lần 3 đứa.
Ông Phạm Văn Sơn (49 tuổi), một xe đạp ôm có thâm niên ở chợ Trà Cổ cho biết nghề này hoàn toàn dựa vào sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai của đôi chân. Phần lớn những chiếc xe đạp ôm là loại xe thồ, ngoài chở khách còn tranh thủ chở hàng, vì thế xe thì cứng cáp nhưng đạp lại rất nặng. Nếu gặp khách nhẹ ký không nói làm gì, gặp người mập mạp, to con lại qua đoạn đường dốc cao thì chỉ có nước cả tài lẫn khách xuống cuốc bộ.
Ông Châu Văn Tửng (64 tuổi), một xe đạp ôm khác góp chuyện: “Những lúc như vậy mình không ngồi nổi trên yên xe mà đứng hẳn dậy, dồn hết sức vào đôi chân để nhấn bàn đạp, cơ thể thì trẹo qua, trẹo lại. Tuy nhiên do dốc cao, khách nặng nên cố có mấy cũng không qua. Khách hiểu ý thì đập vai kêu cho xuống để đi bộ qua dốc, có người thì ngồi lì. Đến lúc chịu hết nổi thì mình cũng đành nói thẳng với khách rồi xin phép được dắt bộ”.
Với gần 30 năm trong nghề, ngoài việc “đạp không nổi, dắt bộ”, ông Tám còn nhớ đời nhiều kỷ niệm xoay quanh con ngựa sắt của mình. Đặc biệt là những lần bị khách quỵt tiền giữa đêm khuya. Có lần gần nửa đêm, có một thanh niên say rượu ngoắc lại nói: “Chú chở con tới đó bao nhiêu con đưa”. Ông Tám nghe vậy mừng quá vội vã đi ngay, ai dè khi đến nơi bợm nhậu kia chỉ tay vào mặt hăm dọa: “Bây giờ mày có đi không, đứng đó đòi tiền là mất mạng”.
Những năm sau này, đời sống người dân ngày được nâng cao, nhà nhà đều có xe máy để đi lại cộng với số lượng xe ôm máy ngày một nhiều nên nghề xe đạp ôm đang dần mai một. Hiện ở chợ Trà Cổ còn khoảng hơn chục người còn bám trụ với nghề xe đạp ôm. Khi được hỏi về tương lai công việc, những người hành nghề xe đạp ôm ở chợ Trà Cổ trầm ngâm cho biết từ hơn 10 năm nay, chính xác là từ lúc xe máy Trung Quốc ồ ạt nhập vào VN thì cuộc mưu sinh của họ ngày càng khó khăn hơn.“Giờ khách ít lắm, ngày nào trúng thì được khoảng 60.000 đồng, còn không thì cứ tà tà 10.000 - 20.000 đồng/ngày, có bữa không có khách nào. Tụi này phải tranh thủ làm thêm như bốc hàng, thồ hàng mới mong đủ sống”, ông Tửng thở dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.