Mùa hè lên rừng, xuống biển góp xây những công trình:

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân

30/07/2024 06:00 GMT+7

"Kéo! Kéo!...", sau khẩu lệnh vang lên, những cánh tay sinh viên tình nguyện ôm chặt đường ống, đôi bàn chân cố bám, ghì thật chắc xuống đất để đứng vững và dùng hết sức mình cùng kéo những đoạn đường ống vừa được hàn xong. Những đường ống dài hơn 10 km này sẽ dẫn nước từ trên đầu nguồn về cho người dân vùng… khát.

Mỗi ngày, cứ 6 giờ sáng, những sinh viên trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại bắt đầu chuẩn bị để tiếp tục hành trình băng rừng, vượt núi thực hiện công trình dẫn nước về cho người dân ở xã Xuân Quang 1 (H.Đồng Xuân, Phú Yên), nơi đang thiếu nước trầm trọng mỗi mùa nắng.

Ảnh 1.jpg

Băng rừng, vượt núi lên đầu nguồn kéo nước về cho dân vùng khát

NỮ VƯƠNG

Giải quyết triệt để khó khăn của người dân

Với chiếc gậy leo núi tự làm bằng các thân cây vừa cứng chắc, vừa đủ độ dẻo dai, cộng với chiếc mũ tai bèo đội trên đầu, đội hình sinh viên tình nguyện băng qua những cánh rừng, vượt các dốc núi cao tưởng chừng như dựng đứng để lên được đến đầu nguồn con nước.

Vừa đi, các sinh viên vừa đồng thanh hát vang những ca từ đầy hào khí trong bài Đường lên phía trước: "…Tìm đường lên phía trước, bước chân mài núi mòn/Dẫu thân tan thì ngày mai quyết không từ nan/Từng đoàn quân tiến bước, giữa mấy trời ngút ngàn/Giữ non sông, bằng những trái tim Việt Nam…".

Vừa hát, bước chân họ lúc thì sột soạt trên những lớp lá rừng, lúc phải cố bám đầu ngón chân xuống đất để không trơn trượt, nhưng tất cả vẫn luôn đều nhịp bước. Chứng kiến hình ảnh này, tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của Tố Hữu: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ngày nay, những người trẻ với màu áo xanh của thanh niên tình nguyện cũng xẻ dọc đường rừng, vượt núi để lên đến đầu nguồn dẫn nước về cho dân.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 2.

Ảnh 2.jpg

Tháo mồ hôi hột vác những ống nước vừa dày, vừa nặng lên đầu nguồn dẫn nước về xuôi

NỮ VƯƠNG

Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Chỉ huy trưởng Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của trường tại xã Xuân Quang 1, cho biết đây là năm thứ 3 liên tiếp đội hình về với địa phương. Với tinh thần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các khó khăn, nên khi biết được tình trạng thiếu nước rất nghiêm trọng, năm nay họ quyết tâm đưa đội hình về giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân.

Để giải quyết được vấn đề này, các sinh viên đã phải băng rừng, lội suối, mở đường để kéo ống từ trên đầu nguồn ở Vực Tròn cho nước tự chảy về tận nhà của từng hộ dân. Một vấn đề nan giải và đầy trăn trở của chính quyền địa phương bao nhiêu năm nay, nhưng với sức trẻ và sự quyết tâm cao độ, sinh viên tình nguyện đã mang được nguồn nước hạnh phúc về cho người dân vùng khát.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 4.

Gồng mình kéo đường ống nước từ trên thượng nguồn về cho dân

NỮ VƯƠNG

Ảnh 3.jpg

Qua mỗi ngày, các ống nước càng được nối dài đồng nghĩa với việc càng nặng, vì thế sẽ rất mất sức khi kéo đường ống. Trong hình là Dũng (đầu tiên) và Nam đang dùng hết sức mình kéo đường ống

NỮ VƯƠNG

Mỗi ngày 4 lượt băng rừng, vượt núi

Theo chân các sinh viên, tôi được phát một đôi dép đi đường rừng, cây gậy và chiếc nón tai bèo. Nhận hành trang xong, cứ tưởng như mình chuẩn bị… hành quân. Nhưng là người mới, họ sợ tôi không chịu thấu, vì thế đã ưu tiên để một thành viên chở tôi đoạn đường bìa rừng bằng xe máy chuyên dụng đi núi của người dân địa phương. Chỉ là đoạn bìa rừng thôi, nhưng tim tôi như muốn rớt ra ngoài vì những trải nghiệm còn hơn chơi các trò cảm giác mạnh.

Trên cung đường rừng đầy hiểm trở, những tảng đá lớn, nhỏ nhấp nhô, bánh xe cứ trượt qua rồi trượt lại, trồi lên các tảng đá rồi lại rớt xuống, tôi một tay giữ thanh nắm phía sau yên xe, một tay níu lấy áo của bạn sinh viên. Biết tôi đang… xanh mặt, Đặng Văn Dũng, sinh viên Khoa Xây dựng, người được phân công chở tôi, trấn an: "Chị cứ tin tưởng ở em. Sẽ không sao đâu". Suốt chặng đường, Dũng đã nói câu này với tôi không biết bao nhiêu lần, thường là cứ sau mỗi lần tôi hãi quá và hét lên.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 6.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 7.

Vượt rừng xuyên qua những vách đá

NỮ VƯƠNG

Ảnh 5.jpg

Đường lên đến đầu nguồn con nước vô cùng gian nan

NỮ VƯƠNG

Qua được đoạn bìa rừng, nơi có một con suối chảy ngang, dừng xe lại, Dũng nói chỉ đi xe máy được đến đây, vì đoạn phía trước phải leo lên núi cao nên không thể đi bằng xe. Nghe vậy, tôi thở phào. Biết rằng đoạn phía trước còn rất xa và leo núi cao sẽ đuối sức, nhưng ít nhất đi bộ cũng đỡ… xanh mặt hơn.

Ngồi nghỉ bên dòng suối, chờ đội hình đi bộ đến rồi cùng "hành quân" lên đầu nguồn. Phía bên kia suối là những chàng trai mặc quân phục cũng đang ngồi nghỉ mệt, Dũng cho biết đấy là đội hình của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên được điều động đến để cùng hỗ trợ sinh viên thực hiện công trình.

"May mà có các anh hỗ trợ, vì để làm được công trình này rất gian nan và nhiều vất vả", Dũng nói.

Sau khi ngồi nghỉ vài phút, đội hình đi bộ cũng đến, chúng tôi lại lên đường. Lên đến nơi, tôi còn đang thở dốc thì các bạn đã ngay lập tức vào nhiệm vụ. Những sinh viên tình nguyện cùng với lực lượng quân sự chia ra một vị trí vài người đứng, để sau mỗi đoạn ống được đội kỹ thuật của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (đơn vị tài trợ đường ống cho công trình) hàn xong, khẩu lệnh "Kéo" vang lên là ngay lập tức cả đội hình gồng sức kéo đường ống.

Cứ mỗi ngày trôi qua, đường ống càng dài thì sức nặng càng tăng lên, đồng nghĩa việc kéo sẽ rất mất sức, nhưng ai nấy cũng vui và hạnh phúc vì biết rằng nước sắp được dẫn về cho người dân.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 9.

Băng qua những vách đá cao cheo leo và hiểm trở

NỮ VƯƠNG

Để có thể thực hiện công đoạn hàn và kéo đường ống xuống núi, họ đã phải băng rừng vác hơn 500 ống nước dày và to này lên thượng nguồn. 2 người phụ trách khiêng 3 ống, nhưng vác muốn tháo mồ hôi hột. Hôm đó, chỉ đi tay không mà tôi đã thở dốc vì quá mất sức.

Những ngày đầu khi kéo ống từ thượng nguồn về, có những vực nước sâu thì lực lượng quân sự đảm trách lặn xuống để kéo vì họ có kỹ năng và được huấn luyện bài bản. Việc kéo ống xuyên qua rừng dù được các tán cây che mát nhưng mỗi ngày họ phải đối phó với... muỗi rừng.

Vừa kéo xong, họ nằm bệt xuống khoảng đất phủ nhiều lớp lá rụng để nghỉ tạm. Tôi hỏi: "Mệt lắm phải không?", Lê Hoàng Nam, sinh viên năm nhất Khoa Cơ khí chế tạo máy, nói: "Mệt chứ ạ. Nhưng mệt nhất là do ngày nào cũng leo lên và xuống núi 4 lượt nên đuối, chứ đừng nói gì đến làm việc. Mệt nên nằm đại vậy thôi, chứ ở đây không những "đặc sản" là muỗi mà còn rất nhiều loại côn trùng khác, khi về người lúc nào cũng ngứa ngáy khắp nơi".

Vỡ òa hạnh phúc vì nước về với dân

Nam kể cứ khoảng 11 giờ là xuống núi để về ăn cơm, nghỉ ngơi rồi 13 giờ 30 lại tiếp tục băng rừng, vượt suối.

Tôi thấy khó hiểu, hỏi Nam: "Đi lên đi về rất vất vả, mất hết sức rồi sao làm việc? Sao đội hậu cần không mang cơm lên để ăn và nghỉ trưa trên này, chiều tiếp tục công việc?". Nam cho biết đường lên đây quá vất vả, đi không cũng đã khó khăn rồi, nếu còn mang vác đồ ăn lên nữa thì sẽ càng khó hơn. Chính vì thế, đành chấp nhận chọn cách một ngày 4 lượt băng rừng, vượt núi.

Ảnh 6.jpg

Ở những vực sâu trên dãy núi cao này sẽ do lực lượng bên quân đội đảm trách việc lặn xuống để kéo đường ống nước

NỮ VƯƠNG

"Có những hôm về đến nhà, mệt quá nên bạn nào bạn nấy nằm ngủ la liệt luôn, gọi dậy ăn cơm nhưng không đứa nào dậy nổi. Ngày đầu sung lắm, vì còn chưa biết trên nguồn như thế nào nên rất muốn khám phá. Lên một lần là khiếp luôn, vì quá mệt", Nam chia sẻ.

Lau mồ hôi, Nam kể tiếp: "Nếu quen được thời tiết thì không sao, có những bạn sức đề kháng hơi yếu là dễ bị cảm, sốt ngay. Đợt trước, mình cũng bị cảm một lần. Biết có triệu chứng nên uống thuốc ngay từ buổi đêm để sáng hôm sau là có thể đi làm bình thường".

Dũng cho biết các bạn là đội hình thường trực trên núi nên ngày nào cũng sẽ băng rừng đi làm nhiệm vụ. "Mấy bạn mới thì leo không nổi, leo đến nơi mệt muốn đứt hơi thì không còn sức để làm, nên sẽ cố định một đội hình để đi núi. Tụi mình đi mỗi ngày nên giờ cũng quen rồi, hơn nữa sức trẻ mà, ngại chi gian khổ", Dũng cười tươi và nói.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 11.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 12.

Xẻ dọc đường rừng, vượt núi dẫn nước về cho dân- Ảnh 13.

Mỗi ngày, sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM 4 lượt băng rừng, vượt núi để thực hiện công trình

NỮ VƯƠNG

Cả Dũng và Nam đều lần đầu tham gia chiến dịch, nhưng được làm một công trình ý nghĩa như thế này, với cả hai đây là dấu ấn khó quên trong cuộc đời.

Dũng bộc bạch: "Đúng là mỗi ngày leo núi rất vất vả, nhưng leo lên rồi thì hết ngày tụi mình lại xuống, hết chiến dịch sẽ trở về với cuộc sống bình thường, nhưng người dân ở đây nếu không có nước sẽ khổ mãi. Chính vì thế, tụi mình luôn cố gắng đẩy nhanh tiến độ để cho dân được mừng".

Một ngày theo chân các sinh viên tình nguyện, đêm về tôi không thể ngủ được, khắp người ê ẩm, đôi chân như muốn rời ra khỏi người vì quá rã rời. Thế mà gần 1 tháng hè qua, ngày nào những đôi chân tình nguyện cũng đều đặn 4 lượt xẻ đường rừng, vượt núi.

Và dù mệt thế nào, nụ cười vẫn luôn nở trên môi và suy nghĩ của họ lúc nào cũng hướng về người dân dưới núi đang chờ nước. Nam bộc bạch: "Mỗi lần kéo đường ống mặc dù rất nặng, nhưng cứ nghĩ rằng những đường ống này sẽ dẫn được nước từ đầu nguồn về cho dân, là có tinh thần để cố gắng và làm quên mệt luôn".

Sau bao ngày vất vả, nước từ đầu nguồn sau khi qua bể lọc (được xây trực tiếp trên nguồn) đã được dẫn về cho người dân xã Xuân Quang 1. Chứng kiến hành trình này của các sinh viên tình nguyện, tôi ví đây như những dòng nước hạnh phúc. Bao niềm vui của sinh niên tình nguyện theo dòng nước chảy về hòa với sự hạnh phúc vô bờ bến của người dân khi sử dụng. Từ nay, nỗi lo không có nước mỗi mùa nắng cũng đã bị dòng nước sạch từ đầu nguồn dẫn về cuốn trôi, biệt tăm…

Công trình với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, cung cấp nước sạch cho hơn 200 hộ dân ở 3 thôn của xã Xuân Quang 1. Công trình do đội hình tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện; được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh và nguồn nhân lực từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.