Xe hủ tiếu mì bò viên của ông Chung Hà (người Hoa, 72 tuổi) và bà Bùi Thị Bé Hai (người miền Tây, 68 tuổi) đã bán ở góc đường Trần Phú Cương, sát chợ Gò Vấp 34 năm nay.
Ông bà lấy nhau được 42 năm, ban đầu ông Hà làm cửa sắt, còn bà Hai ở nhà nội trợ, trông con. Đến năm 1986, ông bà bắt đầu làm xe hủ tiếu mì để buôn bán, bà lo việc bếp núc, chế biến, còn ông phụ vợ bưng bê, rửa bát.
Bà Hai cho biết, nghề bán hủ tiếu mì này là từ mẹ của ông Hà. Về sau qua học hỏi người này, người kia ông bà bán thêm bò viên, hoành thánh.
|
Từ đó, món hủ tiếu mì lề của ông bà đường bắt đầu được truyền miệng và nổi tiếng khắp khu chợ Gò Vấp. Xe hủ tiếu mì chẳng có tên gọi cụ thể, nhiều người sống ở đây lâu năm thì hay gọi là “hủ tiếu mì công xi heo”. (Vì trước đây gần chỗ này có một lò giết mổ heo).
Xe hủ tiếu ghi dấu ấn sâu sắc và níu chân nhiều “mối quen” suốt mấy chục năm không chỉ vì độ ngon, mà còn bởi sự tin tưởng về chất lượng thực phẩm rất tốt và sạch sẽ.
|
Giá cao nhưng chất lượng
Mặc dù bán ở góc đường, nhưng giá thành từ 30.000 – 50.000 đồng một tô, nếu là khách lạ thì có thể bất ngờ một chút, còn với những ai đã ăn hủ tiếu mì của ông bà lâu năm thì cảm thấy rất bình thường. Giá ở đây có cao hơn nhiều so với các xe hủ tiếu lề đường nhưng các nguyên liệu từ sợi mì đến thịt, xương, rau đều được lựa chọn rất kỹ, sạch sẽ, chất lượng, được nấu công phu và tận tâm.
|
Dùng thử một tô mì đặc biệt với giá 50.000 đồng, người ăn sẽ cảm nhận rõ ràng sự khác biệt so với các món mì được bán thông thường. Nước lèo có vị ngọt vừa phải, đậm đà, sợi mì tươi có độ dai đúng điệu, thịt, bò viên đều rất ngon.
Một thực khách giấu tên, sống gần chợ Gò Vấp, chia sẻ: “Cô ăn ở đây hoài, ngon, nước lèo ngọt thịt chứ không có ngọt gia vị. Thịt tươi, ăn không ngửi thấy mùi hôi, chứ nhiều chỗ ăn hôi lắm”.
Đồng thời, khi được hỏi mức giá liệu có quá cao, thực khách cho biết ở đây bán đồ tươi, sạch nên giá như vậy là ổn, quan trọng là chất lượng.
|
Bà Hai cũng nói thêm, bây giờ giá thành thứ gì cũng mắc nên thật ra trừ hết tiền vốn, lời cũng không được bao nhiêu, quan trọng là ai cũng tin tưởng, họ thấy ngon nên thường xuyên ghé mua. Quan sát một buổi ở đây, tôi nhận thấy khách mua mang về rất đông, có người mua một lần tới 5 – 6 phần thậm chí 10 phần. Hỏi ra thì đây chính là lượng khách hàng thân thiết của xe hủ tiếu mì.
Miễn sao đủ sống là vui
Nhiều người thắc mắc bán được như thế, sao ông bà không mở quán buôn bán khang trang hơn, mở rộng quy mô kinh doanh để kiếm lời. Bà Hai chia sẻ giản dị: “Ông bà chủ yếu bán kiếm hai bữa cơm mỗi ngày thôi, cũng không cần giàu có nên chẳng nghĩ ngợi nhiều làm gì".
Bây giờ đã lớn tuổi, bà Hai hay bị đau chân còn ông Hà buổi tối phải ở nhà trông cháu, nên chủ yếu công việc nặng nhọc có anh Toàn (con trai thứ) đỡ đần, phụ giúp. Anh Toàn cũng đang được ông bà “truyền nghề” để nếu có thể thì sau này nối nghiệp của gia đình.
|
Ông bà bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, từ thứ Ba đến Chủ nhật. Mỗi ngày, từ 8 giờ sáng, bà Hai đã phải hầm xương, chuẩn bị nước dùng và các thứ cần thiết. Đến đầu giờ chiều, anh Toàn sắp xếp đồ đạc,16 giờ thì bắt đầu đẩy xe ra đứng bán tại đây. Công việc kéo dài đến tận 12 giờ đêm, dọn dẹp xong có khi gần 4 giờ sáng.
“Xong hết mọi việc chỉ có nằm lăng đùng ra ngủ thôi", anh Toàn hài hước chia sẻ. Thế nhưng, với tâm lý sống thoải mái không đặt nặng vấn đề giàu có, gia đình ông bà lúc nào cũng vui tươi và lạc quan.
Suốt hơn 30 năm, hương vị hủ tiếu mì của ông bà Hà ở góc đường gần chợ Gò Vấp vẫn luôn thơm ngon, đặc sắc đến lạ kỳ. Bất cứ ai đã đến đây ăn thử một lần, đều cảm thấy lưu luyến không chỉ vì quá ngon mà còn bởi cảm giác rất bình dân, hoài niệm.
|
Xe hủ tiếu cũ kỹ bằng gỗ trải qua năm tháng mưa gió, dù có bị hư hỏng nhiều lần nhưng ông Hà vẫn sửa chữa và dùng cho tới nay. Những chiếc bàn ăn ở lề đường, bên trên được che chắn bằng tấm bạt tạm bợ. Mọi thứ nhìn bên ngoài có vẻ hơi xập xệ, nhưng điều ấy lại làm nên cái nét xưa cũ, bình dân thú vị của xe hủ tiếu mì, tạo nên điểm nhấn vô cùng hoài niệm giữa phố phường không ngừng thay đổi.
|
|
Bình luận (0)