Xe khách tăng giá vé 40-60% dịp tết: Nên ở lại thành phố hay về quê?

26/11/2024 06:00 GMT+7

Thông tin xe khách tăng giá vé 40-60% dịp tết khiến nhiều người băn khoăn không biết nên ở lại thành phố để tiết kiệm chi phí hay về quê đoàn tụ ngày xuân với gia đình.

Mới đây, thông tin vé xe khách dịp Tết Ất Tỵ tại TP.HCM tăng 40-60% so với ngày thường khiến nhiều người lo lắng.

Nguyễn Đình Phương Thủy (26 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết dù giá vé tăng cao nhưng cô và nhiều bạn trẻ vẫn muốn về quê vì tết là một dịp ý nghĩa để sum họp gia đình.

"Đặc biệt là những bạn trẻ đi học, đi làm xa nhà. Họ đã dành cả năm ở thành phố bận rộn với công việc và học tập, nên dù phải chi nhiều hơn cho vé xe, mọi người vẫn sẵn sàng mua để được trở về bên gia đình. Nếu ở lại thành phố trong dịp tết, nhìn cảnh người khác sum họp ở quê, bạn sẽ dễ cảm thấy tủi thân và cô đơn", Thủy chia sẻ.

Xe khách tăng giá vé 40-60% dịp tết: Nên ở lại thành phố hay về quê?- Ảnh 1.

Xe khách được nhiều người lựa chọn là phương tiện về quê trong dịp tết

ẢNH: PHƯƠNG VY

Cô gái quê Ninh Thuận cho biết xe khách vẫn là giải pháp về quê tiết kiệm nhất. Ngoài ra, còn có các phương tiện khác như tàu hỏa hoặc máy bay, nhưng chi phí thường cao hơn. Đối với những bạn có khoảng cách từ TP.HCM không quá xa, việc đi xe máy hoặc ghép ô tô cùng người lạ và chia tiền xăng là những lựa chọn khả thi.

Khi được hỏi về giải pháp, Thủy cho biết cô sẽ cố gắng săn vé sớm hơn. "Những năm trước, nếu săn vé quá cận tết, mình thường gặp tình trạng hết vé hoặc chỉ còn chỗ ngồi ở cuối xe. Tuy nhiên, mình bị say xe nên không thể ngồi cuối được. Khi đó, mình chỉ còn hai lựa chọn: tìm nhà xe khác còn chỗ hoặc đổi ngày về sao cho phù hợp hơn", Thủy chia sẻ.

Xe khách tăng giá vé 40-60% dịp tết: Nên ở lại thành phố hay về quê?- Ảnh 2.

Khách đợi xe tại Bến xe Miền Tây (TP.HCM)

ẢNH: PHƯƠNG VY

Trong khi đó, Vũ Tiến Dũng (25 tuổi), nhân viên tại Công ty TNHH MTV C.B.S Việt Nam, TP.HCM, cho rằng những bạn trẻ đi học, đi làm ở các thành phố lớn, nếu quê ở xa, thường chỉ về nhà 1-2 lần mỗi năm. Vì vậy, chi phí về quê dịp tết cũng không quá đắt nếu chia đều cho cả năm.

"Quê mình ở Hà Nam, cách TP.HCM rất xa, nên mỗi năm mình chỉ về quê 1-2 lần. Vì vậy, dù giá vé xe khá cao, mình vẫn cố gắng tranh thủ về để thăm gia đình. Ngoài xe khách, mình nghĩ mọi người còn có thể lựa chọn các phương tiện khác như tàu hỏa, xe máy hoặc máy bay. Bạn nên lên kế hoạch mua vé sớm để tránh tình trạng hết vé hoặc phải chọn các vị trí ngồi không thoải mái. Việc săn vé trước không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo bạn có chuyến đi thuận tiện hơn trong dịp tết", Dũng nói.

Xe khách tăng giá vé 40-60% dịp tết: Nên ở lại thành phố hay về quê?- Ảnh 3.

Đặt vé sớm không chỉ giúp bạn có nhiều lựa chọn vị trí ngồi thoải mái mà còn tránh tình trạng hết vé hoặc phải trả giá cao vào sát tết

ẢNH: PHƯƠNG VY

Từng có năm ở lại TP.HCM làm việc và chỉ về quê sau tết, Nguyễn Kỳ Hoa (27 tuổi), ngụ tại chung cư 9View, TP.Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ rằng cô gái cảm thấy rất lạc lõng khi không thể đón Tết cùng gia đình. "Nhìn bạn bè đăng hình ảnh sum vầy bên người thân trên mạng xã hội, mình không khỏi ghen tị và mủi lòng", Hoa tâm sự.

Sau lần đó, cô gái đến từ An Giang luôn khao khát khoảnh khắc được ở bên gia đình trong dịp tết. Dù giá vé có đắt đỏ thế nào, cô gái vẫn cố gắng mua để được về quê. "Dù cuộc sống hiện đại, phát triển đến đâu, tết trong trái tim người Việt vẫn là một dịp thiêng liêng, thời khắc quý giá để sum vầy và hướng về một năm mới bên người thân sau một năm dài đi học, làm việc xa nhà", Hoa chia sẻ.

Xe khách tăng giá vé 40-60% dịp tết: Nên ở lại thành phố hay về quê?- Ảnh 4.

Khung cảnh quê hương luôn in đậm trong trái tim mỗi người trẻ

ẢNH: PHƯƠNG VY

Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Vũ (29 tuổi), ngụ ở 1072 đường Kha Vạn Cân, P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức cho biết chia sẻ rằng đã 3 năm rồi Vũ chưa về quê thăm gia đình. "Giá vé xe khách dịp lễ, tết thường tăng rất cao, chưa kể các chi phí khác như quà cáp, ăn uống khi về quê. Tổng chi phí cho một chuyến về nhà vào dịp này không hề nhỏ, nên mình đành chọn ở lại TP.HCM đi làm thêm ngày tết để tiết kiệm", Vũ cho biết.

Vũ nhấn mạnh rằng việc vé xe tăng cao không chỉ là áp lực tài chính mà còn gây khó khăn trong việc lên kế hoạch. Nếu đặt không kịp, vé lại càng khan hiếm và đắt hơn. Chàng trai Gia Lai mong muốn có những chính sách hỗ trợ để giá vé xe dịp tết trở nên hợp lý hơn, giúp người trẻ như Vũ có cơ hội về quê đoàn tụ với gia đình.

"Tết là dịp để sum họp, nhưng với giá vé cao thế này, nhiều người trẻ buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng và đôi khi phải chấp nhận ở lại thành phố", Vũ nói thêm.

Như Thanh Niên đã đưa tin xe khách tại TP.HCM tăng giá vé 40 – 60% so với ngày thường để bù chiều chạy rỗng trong cao điểm phục vụ người dân đi lại dịp Tết Ất Tỵ. Bến xe Miền Đông mới dự báo có hơn 140.000 lượt khách qua lại. Bến xe Miền Đông cũ dự báo có tổng lượng khách đi lại dịp cao điểm tết năm nay trên 180.000 lượt, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Bến xe Miền Tây dự báo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, riêng ngày cao điểm 27.12 âm lịch, dự báo có gần 63.000 lượt khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.