Đó là sản phẩm do nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải - Phân hiệu tại TP.HCM đã mày mò nghiên cứu. Sản phẩm cũng vừa xuất sắc giành được giải vàng tại cuộc thi Thiết kế chế tạo ứng dụng lần V do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
“Chứng kiến sự khó khăn của những người khuyết tật, người già yếu tay chân khi di chuyển nên nhóm đã lên ý tưởng thiết kế xe lăn di chuyển theo ý muốn của người dùng bằng đầu”, Lâm Quang Thái (thành viên nhóm) lý giải về nguyên nhân sáng chế sản phẩm.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay trên thị trường đa số xe lăn điện điều được nhập khẩu nên giá thành tương đối cao với những người có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp. Từ đó nhóm muốn chế tạo được một chiếc xe lăn điện có giá thành phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng, giúp họ có thể thoải mái và dễ dàng di chuyển trong sinh hoạt hằng ngày.
|
Thái cặn kẽ về sản phẩm: “Sản phẩm sử dụng module cảm biến IMU kết hợp với vi điều khiển ứng dụng thuật toán điều khiển để xác định hướng mà người sử dụng muốn đi đến, đồng thời có thể điều chỉnh tốc độ di chuyển của xe theo ý muốn”.
Bên cạnh đó, bộ điều khiển của sản phẩm được thiết kế theo dạng module nên có thể thay thế hoặc sửa chữa dễ dàng trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, nó có thể lắp đặt trên các sản phẩm xe lăn chạy bằng điện khác.
Sản phẩm còn kết hợp với Raspberry Pi3 và camera có khả năng truyền hình ảnh về người thân, trung tâm bệnh viện để giám sát và theo dõi tình trạng của người dùng.
“Module cảm biến bao gồm 3 cảm biến: cảm biến gia tốc, cảm biến vận tốc và cảm biến từ trường. Từ 3 cảm biến này kết hợp với thuật toán xử lý tín hiệu sẽ cho bộ điều khiển biết được hướng mà người dùng muốn di chuyển. Đồng thời trong lúc hoạt động camera trên xe lăn sẽ truyền hình ảnh của người dùng về cho người thân hoặc trung tâm của bệnh viện thông qua mạng wifi”, Thái chia sẻ.
tin liên quan
Vòng đeo tay cho người khiếm thịXe lăn được điều khiển thông qua bộ điều khiển nhận tín hiệu từ cảm biến được đặt trên đầu người sử dụng truyền về. Thông qua tín hiệu nhận được từ cảm biến thì bộ điều khiển sẽ xuất tín hiệu điều khiển cơ cấu chấp hành làm cho xe lăn di chuyển theo ý muốn của người sử dụng. Xe lăn sẽ điều khiển hướng đi theo các chuyển động của đầu như nghiêng trái, nghiêng phải, cuối phía trước, ngã phía sau hoặc là thẳng đứng.
Nhận xét về sản phẩm sáng tạo này của sinh viên, thạc sĩ Võ Thiện Lĩnh (giảng viên bộ môn điện - điện tử Trường ĐH Giao thông vận tải - phân hiệu tại TP.HCM) nhìn nhận: “Đây sẽ là một sản phẩm có tính ứng dụng rất cao, bên cạnh đó còn mang một giá trị nhân văn tốt đẹp. Vừa giúp được người già, người khuyết tật dễ dàng hơn trong di chuyển vừa là sản phẩm của người Việt mình làm ra nên giá thành sẽ thấp hơn nhiều so với các sản phẩm nhập về. Và điều đặc biệt là sản phẩm có tính năng vượt trội hơn so với các xe lăn hiện có trong nước, có thể thay đổi lắp đặt tức là lắp đặt lên nhiều loại xe lăn khác nhau. Bên cạnh đó có hệ thống giám sát từ xa nên người nhà có thể quan sát người thân của mình”.
Bình luận (0)