- Thượng tá Võ Văn Vân - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an TP.HCM cho biết: sau khi đã tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn không có người đến nhận, Phòng Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ ra quyết định tịch thu tài sản và chuyển quyết định cùng với số tài sản đó cho cơ quan tài chính để họ tiến hành định giá và tổ chức bán đấu giá. Nếu tài sản bị thu giữ tại các quận, huyện thì sẽ được chuyển cho phòng tài chính của quận huyện, còn ở cấp thành phố thì sẽ chuyển cho Sở Tài chính.
- Ông Trần Nam Trang - Trưởng phòng Quản lý công sản thuộc Sở Tài chính TP.HCM giải thích: Theo quy trình, sau khi có quyết định tịch thu tài sản, Sở Tài chính sẽ đứng ra tổ chức bán đấu giá và thu tiền nộp vào ngân sách nhà nước. Đối tượng tham gia đấu giá bao gồm tất cả các thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty tư nhân) nằm trên lãnh thổ Việt Nam có chức năng kinh doanh mặt hàng đó đều có quyền tham gia đấu giá.
* Người dân có được phép tham gia đấu giá?
- Ông Trần Nam Trang: Tư nhân không có tư cách pháp nhân để mua tài sản đó. Hơn nữa, số lượng tài sản có quyết định tịch thu thường rất lớn và được phân ra thành nhiều chủng loại khác nhau nên khi tiến hành bán đấu giá phải bán theo từng lô, chẳng hạn xe máy mỗi đợt bán từ vài chục chiếc đến 100 chiếc.
* Cơ quan nào đứng ra tổ chức bán đấu giá?
- Ông Trần Nam Trang: Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước gọi tắt là Hội đồng thẩm định gồm đại diện của tất cả các ban ngành có liên quan như: cơ quan tịch thu, cơ quan tài chính, hải quan, quản lý thị trường, đội thi hành án... sau khi họp thông qua kết quả định giá sẽ đứng ra tổ chức kế hoạch bán đấu giá. Thủ tục tham gia đấu giá sẽ được đăng liên tiếp 3 kỳ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Cẩm Nhung (thực hiện)
Bình luận (0)