Đồng thời tổ chức thực hiện và phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập xe cơ giới quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô 2 bánh, mức 4 đối với xe ô tô nhằm áp dụng theo lộ trình về tiêu chuẩn khí thải được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 49/2011.
Cục Đăng kiểm cũng được giao trong năm 2018 xây dựng, trình Thủ tướng ban hành quy định về lộ trình nâng cao tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng, tăng cường công tác kiểm định khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đáng chú ý, dự thảo Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đã được dự trình nhiều lần nhưng vẫn chưa thể áp dụng trong thực tế. Trước đó, từ năm 2010 Bộ GTVT đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy với mục tiêu từ năm 2010 - 2013 sẽ kiểm soát khí thải với xe máy trên 10 năm tuổi ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng chưa áp dụng được. Sau đó, năm 2015 Bộ GTVT đã kiến nghị kéo giãn thời gian áp dụng tới năm 2017 thí điểm tại TP.Đà Nẵng, kiểm định xe máy niên hạn trên 10 năm, từ tháng 7.2019 áp dụng kiểm định với xe trên 5 năm.
Tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ, việc kiểm soát khí thải áp dụng từ tháng 7.2020 với xe trên 10 năm, tháng 7.2021 với xe trên 7 năm và tháng 7.2022 với xe trên 5 năm. Theo đánh giá, xe máy vẫn là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các TP lớn nhưng chưa được kiểm soát khí thải trong quá trình sử dụng. Trong đó, riêng 5 TP trực thuộc T.Ư là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có gần 14 triệu xe máy đăng ký hoạt động, chiếm gần 30% tổng số xe máy cả nước.
Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm, xung quanh mốc thời điểm áp dụng kiểm định khí thải vẫn còn rất nhiều tranh cãi, vì vậy dự kiến trong dự thảo lần này, thời hạn áp dụng có thể tiếp tục được kéo giãn thêm tới sau năm 2020, bởi kiểm soát khí thải xe máy là vấn đề phức tạp liên quan đến đa số người dân ở các TP lớn.
Bình luận (0)