Ngày 27.9, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) đã công bố kết quả khảo sát “Vai trò xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ “Quỹ nghiên cứu An toàn giao thông xe máy” do VAMM thành lập từ năm 2015 và thể hiện cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thông qua đại diện là Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, nhằm cải thiện tình hình an toàn giao thông tại Việt Nam.
Sau gần 1 năm nghiên cứu, qua việc khảo sát người dân và đánh giá nhiều yếu tố liên quan (từ tháng 9.2017 đến nay) nhóm nghiên cứu chỉ ra xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi đối tượng. Trong tương lai (tới 2030 và những năm tiếp theo), khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng.
Theo nhóm nghiên cứu, trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường sá còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh thành hầu như là con số 0 (đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại, ngoại trừ Hà Nội và TP. HCM) thì xe máy là lựa chọn tối ưu của người dân.
Riêng đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, mặc dù có hệ thống đường sá phát triển nhất nước nhưng hệ thống giao thông công cộng chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại thì mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân trong những thập niên vừa qua vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố châu Á khác. Cụ thể, mật độ đường ở Hà nội gần 50 m/ha trong khi các thành phố châu Á là 100-150 m/ha, mức cung cấp xe buýt ở Hà Nội là 300 xe/triệu dân trong khi mức trung bình của các thành phố châu Á là 1000-1500 xe/triệu dân.
Khảo sát hộ gia đình cho thấy xe máy là phương tiện được sở hữu nhiều nhất ở tất cả các nhóm thu nhập, trung bình 2,4 xe /hộ gia đình. Khi thu nhập tăng, sở hữu ô tô con tăng theo nhưng nó không làm giảm sở hữu xe máy. Đối với các cá nhân, dù thu nhập thấp hay cao thì họ vẫn sử dụng Xe máy để đi lại là chính.
Ngay cả ở nhóm thu nhập cao nhất, mặc dù 52% sử dụng ô tô nhưng vẫn còn trên 40% sử dụng xe máy. Xe máy được ưa chuộng là do nó đáp ứng tốt 3 tiêu chí: rẻ, nhanh, linh động - đây là các yêu cầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh mức thu nhập cá nhân còn khá thấp, cơ sở hạ tầng đường xá còn thiếu, việc nâng cấp mở rộng chậm và ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng.
Nhà nghiên cứu cũng đưa ra dự báo về hành vi lựa chọn phương thức đi lại trong tương lai theo hai kịch bản (phát triển theo đường xu hướng và theo quy hoạch được phê duyệt), phỏng vấn lấy ý kiến về chủ trương cấm xe máy và bài học ở Trung Quốc cho thấy, xe máy sẽ vẫn được đại đa phần người dân lựa chọn đến năm 2030, và sự tồn tại của xe máy là một thực tế khách quan.
Ở các thành phố lớn, kể cả khi toàn bộ mạng lưới đường sắt được xây mới và mạng lưới xe buýt được mở rộng như quy hoạch thì có khoảng 70% người dân sẽ vẫn chọn đi xe máy. Ở các thành phố trung bình và nhỏ, dù hệ thống xe buýt có được cải thiện đáng kể thì khoảng 90% người dân sẽ vẫn lựa chọn xe máy.
Điều này được củng cố bằng kết quả tham vấn ý kiến của người dân về chủ trương cấm xe máy vào năm 2030 - chỉ có khoảng 30% người được hỏi tin chủ trương cấm xe máy “sẽ xảy ra”.
Hơn nữa, bài học chính sách cấm xe máy ở Quảng Châu và nhiều thành phố Trung Quốc cho thấy, về lâu dài thì mục tiêu cấm xe máy để giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí sẽ không đạt được vì lệnh cấm này khuyến khích quá trình chuyển từ xe máy sang ô tô con diễn ra nhanh chóng hơn, trong khi tốc độ nâng cấp mở rộng các hệ thống giao thông công cộng và đường sá chưa theo kịp sự tăng trưởng nhu cầu đi lại, khiến cho ùn tắc và ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Bình luận (0)