Hãng xe Mazda Nhật Bản đã trải qua nửa chặng đường của chiến lược 10 năm nhằm nâng cao nhận thức giá trị thương hiệu với mục đích tăng cường lòng trung thành từ phía khách hàng.
>> Kia ‘truất ngôi’ Porsche, dẫn đầu về chất lượng
>> CEO Mazda không kỳ vọng Mazda3, tập trung vào CX-5
>> Mazda cán mốc 3 triệu xe thế hệ mới chỉ sau 4 năm
Dù được thành lập từ năm 1920 và là một trong những nhà sản xuất ô tô lâu đời nhất Nhật Bản, nhưng Mazda lại chưa từng được đánh giá cao như những đối thủ đồng hương khác. Xuất phát điểm thấp hơn nên Mazda đã sử dụng nhiều ưu đãi để thúc đẩy bán hàng và cạnh tranh với các hãng xe lớn trong nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng, chính sách này lại gây ra “tác dụng phụ”, dẫn đến chu kỳ bùng nổ rồi thoái trào, mà nghiêm trọng nhất là giai đoạn những năm 1990 khiến cho Mazda đứng bên bờ vực phá sản.
May thay, Ford đã tung gói hỗ trợ 481 triệu USD giúp Mazda thoát cảnh hiểm nghèo, tăng tỉ lệ cổ phần của hãng xe Mỹ lên 33,4%. Đến năm 2010, Ford bán lại toàn bộ cổ phần ở Mazda, để hãng xe Nhật tự mình xoay sở. Chính vào lúc đó, bộ máy lãnh đạo của Mazda đã tiến hành đánh giá lại văn hóa doanh nghiệp, quyết định phải thay đổi toàn diện, tái định vị thương hiệu trên thị trường mới có thể tồn tại và phát triển.
Chưa tới 1/3 khách hàng đã sở hữu xe Mazda chọn thương hiệu này ở lần mua xe tiếp theo
|
Đến nay, Mazda đã đạt được thành công bước đầu trong kế hoạch 10 năm khẳng định giá trị thương hiệu trên toàn cầu khi tạo dựng được danh tiếng gắn liền với khả năng vận hành thú vị đặc trưng. Tuy nhiên, dường như sức hút của hãng xe Nhật chỉ thực sự mạnh mẽ với những khách hàng mới, bởi theo thống kê chỉ có khoảng 30% người đã từng sở hữu xe Mazda lựa chọn quay trở lại với thương hiệu này ở lần mua xe tiếp theo.
Trên thực tế, dù Mazda có mức tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng thiếu sự trung thành của khách hàng, đây vẫn chỉ là một thương hiệu ở hạng thấp hơn so với Toyota hay Honda. Do đó, mục tiêu cuối cùng của Mazda là thay đổi nhận thức về thương hiệu của khách hàng, rằng xe Mazda không chỉ mang đến trải nghiệm lái thú vị, mà còn đem lại nhiều giá trị khác thông qua những cải tiến về mặt thiết kế, hiệu suất và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Masahiro Moro, CEO của Mazda Bắc Mỹ, người đã làm việc cho Mazda từ năm 1983 và giữ nhiều vị trí chủ chốt về mảng Marketing chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn đổi mới chiến lược này. Ông cho biết: “Chúng tôi cần có cú nhảy vọt trong tư tưởng. Và tôi hy vọng có thể khẳng định vị trí là một lựa chọn thông minh ở phân khúc xe cao cấp trong tương lai”.
Vào thời điểm 5 năm trước, lòng trung thành đối với thương hiệu của Mazda (chỉ số được đánh giá bằng tỉ lệ khách hàng đã mua xe Mazda tiếp tục chọn Mazda khi đổi xe) khá thấp, chỉ ở mức 30%. Sau giai đoạn thay đổi toàn diện sang ngôn ngữ thiết kế KODO và ứng dụng công nghệ SkyActiv lên hầu hết các mẫu xe, tỉ lệ này đã tăng lên 38%. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng mà Mazda kỳ vọng.
Xe Mazda có giá bán hấp dẫn hơn mặt bằng chung của thị trường ô tô thế giới
|
Không chỉ làm mới kiểu dáng và nâng cao hiệu suất, Mazda còn đang duy trì lợi thế về giá so với các hãng xe khác. Theo thống kê của Kelley Blue Book, tính trong tháng 6.2016, giá trung bình cho mỗi giao dịch mua bán xe Mazda tại Mỹ là 26.345 USD, trong khi con số của toàn ngành lên tới 33.887 USD. Một trong những mẫu xe Mazda đắt giá nhất là CX-9 cũng chỉ có giá bán khởi điểm từ 31.520 USD và 44.000 USD cho bản cao cấp.
CEO của Mazda Bắc Mỹ cho biết, Mazda chấp nhận là thương hiệu nhỏ khi chỉ chiếm 2% thị phần xe hơi toàn cầu. Năm ngoái, hãng đã đạt được kết quả kinh doanh khá tốt với 1,5 triệu xe bán ra, đạt tốc độ tăng trưởng 14%. Thế nhưng, nếu so với con số trung bình 9 triệu xe bán ra mỗi năm của những “gã khổng lồ” trong ngành, thành tựu mà Mazda đạt được vẫn còn khá nhỏ.
Ông còn nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đang gặp khó khăn, nhưng đó là do hãng đang tập trung vào giá trị cốt lõi và quản lý sức mạnh thương hiệu. Chúng tôi đang cố gắng truyền tải rõ ràng những giá trị độc đáo của thương hiệu và khiến khách hàng thấu hiểu. Doanh số chưa phải là tất cả ở thời điểm này”. Đã hội tụ đủ yếu tố để hấp dẫn người mua xe, điều Mazda đang làm bây giờ là duy trì sức hút từ bên trong để níu chân khách hàng ở lại lâu hơn với thương hiệu này.
Bình luận (0)