Xe nguyên thủ: Bí mật chiếc limousine bọc thép của Liên Xô

21/02/2013 09:40 GMT+7

Chiếc xe mà các nguyên thủ quốc gia sử dụng thường có bí mật riêng, lịch sử riêng...

Tuy không bí mật như chiếc vali hạt nhân trong tay tổng thống các siêu cường Nga, Mỹ, nhưng chiếc xe mà các nguyên thủ quốc gia sử dụng thường có bí mật riêng, lịch sử riêng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

>> Xe nguyên thủ: Chiếc xe 'vàng' của ông hoàng Albert II
>> Xe nguyên thủ: Dàn xe sang chảnh của lãnh đạo Châu Á
>> Xe nguyên thủ: Limousine giá 3 triệu USD, Tổng thống Mỹ thuê chỉ… 1 USD/năm 

Là nước sản xuất xe hơi lớn, nhưng từ xưa, các nguyên thủ Nga, Liên Xô vẫn chuộng dùng limousine ngoại. Sa hoàng Nikolai Đệ Nhị rất thích xe Pháp. Vladimir I. Lenin sử dụng Rolls-Royce của Anh. Đến thời I. Stalin, vị nguyên thủ này muốn thay đổi thói quen trên, bằng cách sản xuất xe nội địa cho mình.

Trong garage của Lenin có khá nhiều xe ngoại, từ chiếc Renault động cơ 40 mã lực, đến các chiếc Delanay Billville 45 và Turket Mery 28. Tuy thế, chỉ có hai chiếc Rolls Royce mà Lenin sử dụng vào những năm 1922 - 1924 là còn đến ngày nay.

Chiếc Rolls-Royce thứ nhất thuộc dòng Silver Ghost, được Liên Xô mua cho Lenin vào năm 1922 với giá 1.850 bảng và vị lãnh tụ cách mạng sử dụng nó cho đến năm 1924. Chiếc Rolls-Royce thứ hai có kết cấu độc nhất vô nhị: Phần bánh sau được thay thế bằng các xích cao su (tương tự như xích xe tăng), còn bánh trước gắn thêm các thanh trượt tuyết do nhà máy Putilovsky sản xuất. Chiếc xe này Lenin sử dụng để lên đồi mang tên Gorki vào mùa đông. Dù xe chỉ chạy với vận tốc cao nhất là 20 km/giờ, nhưng Lenin khá hài lòng.

 Hai chiếc Rolls Royce của Vladimir Lenin
Hai chiếc Rolls Royce của Vladimir Lenin 2
Hai chiếc Rolls Royce của Vladimir Lenin 3Hai chiếc Rolls-Royce của Vladimir Lenin - Ảnh: avtomedont.wordpress.com

Người đầu tiên muốn sử dụng limousine nội địa là Đại nguyên soái Stalin. Một phần vì niềm tự hào dân tộc, phần khác do bị ám ảnh mình sẽ bị ám sát, nên Stalin chỉ thị cho nhà máy sản xuất ô tô mang tên ông - ZIS, vào năm 1933 bắt đầu sản xuất siêu xe được thiết kế dựa trên nền tảng của chiếc Packard của Mỹ.

Vào năm 1948, hãng Alfa Romeo tặng Stalin chiếc siêu xe 6С2500 nhân ngày sinh nhật của ông. Nhưng “báu vật” của thành phố Milan không thể thay thế cho chiếc ZIS vốn dĩ chắc chắn, bền vững thuộc loại “nồi đồng cối đá”. Chiếc xe ZIS 110 bọc thép đầu tiên dành cho vị lãnh tụ của Liên Xô này ra đời vào năm 1947. Nó nặng 4.150 kg và tốc độ cao nhất chỉ là 100 km/giờ. Còn những chiếc ZIS không bọc thép, nặng 2.575 kg và có tốc độ cao nhất là 140 km/giờ.

 Chiếc ZIS và Stalin bên chiếc ZIS của mình 1
Chiếc ZIS và Stalin bên chiếc ZIS của mình 2
Chiếc ZIS và Stalin bên chiếc ZIS của mình 3Chiếc ZIS và Stalin bên chiếc ZIS của mình - Ảnh: livejournal.ru

Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, Nikita Khrushchev lên nắm quyền, các xe limousine bọc thép “biến mất”, bởi nhà lãnh đạo này có quan điểm là phải “gần quần chúng, cởi mở với quần chúng” nên ông thích xe mui trần. Sau đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhà máy ZIS được đổi tên, mang tên Likhachev - ZIL. Khi đó Khrushchev sử dụng chiếc ZIL-111, còn khi tiếp đón các khách, ông đi trên chiếc ZIL-111V mui trần. Chính chiếc xe này vào năm 1961 chở anh hùng, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào điện Kremlin. 

 Chiếc Zil-111V mui trầnChiếc Zil-111V mui trần - Ảnh: vashemuvzo.ru

Nikita Khrushchev là nhà lãnh đạo Liên Xô chủ yếu đi ô tô do nước này sản xuất, cho dù ông có khá nhiều xe ngoại. Có lần ông đến thăm Nam Tư được tướng Tito tặng chiếc mui trần Horch 951 А. Mùa thu năm 1959, Khrushchev mang từ Mỹ về chiếc Cadillac Fleetwood 75 màu đỏ, nội thất bọc nhung và có máy lạnh.     

Ngoài các xe trên, Khrushchev còn có chiếc Mercedes-Benz 300 SL, chiếc Rolls Royce Silver Cloud màu đen (sau này ông tặng chiếc xe cho hội khuyết tật). Vào năm 1961, trong chuyến thăm Pháp, ông mang về chiếc mui trần Renault Koleos, nhưng ngay sau đó tặng con gái của ông là cô Rade.

Lại nói về chiếc ZIL bọc thép. Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, Mỹ rất muốn tìm hiểu thiết kế của chiếc xe này, nhưng không thể. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ mua một chiếc ZIL cũ về nghiên cứu. Bí mật thật ra quá đơn giản: Các nhà thiết kế xe Liên Xô bỏ qua các công nghệ truyền thống là bọc lớp thép chống đạn bên ngoài sau khi xe đã ra lò. Ngược lại, tại nhà máy sản xuất ô tô Ural, họ cho đúc nguyên một khung thép chiếc xe, sau đó mới lắp ráp xe theo phương pháp truyền thống. Kết quả là chiếc ZIL-41052 không chỉ có khả năng chống đạn súng AK, súng bắn tỉa, mà cả mìn nữa. Mỗi cánh cửa của chiếc xe này nặng tới 200 kg.

 Chiếc ZIL-41052Chiếc ZIL-41052 - Ảnh: autowp.ru

Với kết cấu “phức tạp”, đương nhiên là không thể sản xuất hàng loạt chiếc ZIL bọc thép, mà tổng cộng chỉ có 6 chiếc như thế ra đời. Khám phá được bí mật chiếc ZIL, người Mỹ áp dụng ngay vào việc chế tạo xe bọc thép cho tổng thống. Tổng thống G. Bush “con” đi trên chiếc Lincoln bọc thép được sản xuất theo “phương pháp thủ công” của Liên Xô. Tuy giá thành khá đắt so với sản xuất truyền thống, nhưng độ an toàn của chiếc xe thì… miễn bàn.

(Còn tiếp)

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.