Xe ôm nghĩa hiệp

05/01/2012 10:27 GMT+7

Họ chạy xe ôm để mưu sinh nhưng lại chuyên giúp đỡ người khác nên được dân xứ vàng Phước Sơn (Quảng Nam) gọi là những xe ôm nghĩa hiệp.

Họ chạy xe ôm để mưu sinh nhưng lại chuyên giúp đỡ người khác nên được dân xứ vàng Phước Sơn (Quảng Nam) gọi là những xe ôm nghĩa hiệp.

 
Tài xế chạy xe mùa mưa ở Phước Sơn là những tay lái ngoại hạng trên những tuyến đường nhiều trắc trở - Ảnh: T. Vũ

Cuối đông, từng đợt mưa lạnh kéo dài làm vùng đất giáp ranh Tây nguyên thêm u ám. Đường băng của sân bay Khâm Đức (trị trấn Khâm Đức, H.Phước Sơn) đã bỏ hoang chi chít những vết xích in hằn trong sình lầy. Thi thoảng, những con cu đất lại giật mình bay thục mạng bởi tiếng động. Bên dưới lòng suối, một chiếc Minks với tiếng nổ đanh tai, xì khói trắng lao thẳng ra hướng phi trường... Một phu vàng vừa được chở xuống thị trấn để chuẩn bị về quê ăn tết.

Nghề nguy hiểm

Ngã ba cuối đường Đinh Tiên Hoàng (thị trấn Khâm Đức) lúc nào cũng có gần 20 xe thồ đứng đợi khách. Vào những ngày giáp tết này, lượng xe thồ trực chiến ngày một đông bởi thị trấn “vàng” này bắt đầu rộn ràng khi cánh lái buôn lẫn các phu vàng bắt đầu về quê sau một năm lặn lội rừng sâu.

Nhớ công Hùng “xích”

Với cánh xe thồ ở Phước Sơn, Hùng “xích” là cái tên thân thương với họ. Chính Hùng “xích” là người đã làm nên một cuộc “cách mạng” trong nghề xe thồ ở các bãi vàng khi anh đã nghĩ ra cách bọc thêm xích vào bánh xe sau để chống trơn trượt, tăng năng lực trèo rừng.

“Thằng Hùng là dân Lâm Đồng, nó qua đây truyền nghề một thời gian rồi đi biệt tích. Nghe đâu năm ngoái nó mất rồi, vậy mà anh em tụi tui không kịp thắp cho nó một cây hương, nghĩ ra cũng tệ thiệt. Không có thằng Hùng “xích” thì nghề xe thồ này chắc đã dẹp từ lâu rồi” - ông Đế ngậm ngùi bảo. Từ ngày Hùng “xích” đi biệt, các tiệm sửa xe ở thị trấm Khâm Đức bắt đầu học nghề đi gom xích máy cũ từ TP.HCM, Đà Nẵng... về “độ” lại thành xích cho bánh xe. Từ đó, những chiếc xe máy tiến sâu hơn vào các bãi bờ, các con dốc trơn trượt và vượt qua cả các cánh đồng lầy lội.

Không ai chen lấn cũng chẳng ai giành giật khách, tự thân đội xe thồ đã sắp xếp mọi việc rất ổn định và trong cái trật tự ấy cũng có phần rất lạnh lùng. Vóc dáng nhỏ thó nhất nhóm, Vũ “ròm” nhẹ nhàng bước đến hỏi khách: “Anh về bãi nào, em chở?”. Dẫu chưa đến phiên chạy nhưng vì đang kẹt tiền nộp học phí cho con nên anh em trong nhóm đồng ý để Vũ chạy trước một chuyến. Mùa mưa, đường trơn trượt nên giá đi bãi cũng khác nhau tùy độ xa gần. Những bãi gần như Trà Văn, Phước Kim giá 1,5 triệu đồng, bãi xa hơn như Phước Chánh, Phước Thành, Phước Lộc... có khi hơn 2 triệu đồng chưa kể lượt về.

Vũ “ròm” lắc đầu chỉ: “Mưa cả tháng nên giờ đường trơn như bôi mỡ... phải cứng như tôi mới dám chạy mùa này!”. Kéo ống quần lên khỏi gối, Vũ chỉ hàng loạt vết thâm tím từ gót đến đùi, dấu tích của những chuyến vượt núi tuần trước còn để lại. Có ngót nghét 20 năm làm nghề xe thồ ở khắp các bãi vàng Phước Sơn, không cánh rừng nào thiếu dấu chân anh. Những vết thương mới cũ đè lên nhau là hành trình của những ngày cưỡi xe Minsk vượt núi. “Khi đã nhận tiền của khách rồi thì họ chỉ việc ngồi trên xe, có khó mấy cũng ráng mà chống chọi để đi nên đường càng xấu, đèo càng cao càng vất vả, nhất là mùa mưa lũ”.

Nếu tính từ trung tâm thị trấn đến bãi vàng xa nhất cũng chỉ chừng 60 cây số đường rừng, nhưng mùa mưa một tay lái “xịn” nhất cũng phải mất 24 giờ mới đưa khách đến nơi an toàn. Có những vỉa đá nằm trên cung đường đèo sau nhiều năm bị xích của lốp xe thồ “mài giũa” đã tạo nên những rãnh đường chênh vênh khi một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Vũ kể: “Mùa mưa năm ngoái, khi cây cầu Nước Vin chưa hoàn thành, khoảng sông rộng hơn 20m này chỉ có duy nhất một chiếc cầu phao gập ghềnh. Người đi bộ cũng run sợ, vậy mà hàng trăm chuyến xe thồ nặng trĩu đều đặn qua lại mỗi ngày. Những hôm chở thi thể, buộc dây thừng cho thi thể ôm thẳng vào lưng mình, nếu lỡ qua cầu mà lật xe rơi xuống suối thì đồng nghĩa cả người sống lẫn người chết cùng nằm một chỗ”.

Những khi như thế, có lúc cả ngày chưa đi hết 5km đường. Còn những chuyện như thủng ruột hay đứt xích là chuyện bình thường bởi trong xe có đủ đồ nghề và mỗi “cuarơ” là một thợ máy chuyên nghiệp..., thậm chí gặp khi xe thủng ruột mà hết đồ thay thì lấy lá nhét đầy vào lốp rồi cứ thế túc tắc mà đi. “Nhưng để xe chạy được ở rừng này, tất cả đều phải “độ” lại. Nhông máy thì giảm từ 16 răng còn 10 răng, nhưng tăng số răng của dĩa từ 36 lên 42 thì xe mới cày được. Khi đó vòng tua chậm nhưng xe rất mạnh mới vượt được lầy và leo dốc” - Vũ tiết lộ bí quyết.

Nghĩa hiệp giữa rừng xanh

Ngồi phân khách cho từng “cuarơ” nơi góc khuất của quán cà phê cóc bên chợ Khâm Đức, người đàn ông tuổi ngoài 40, khoác áo rằn ri, mắt sáng lồ lộ, ria mép đậm che khuất môi, kéo chúng tôi nói khẽ: “Các anh đi giúp nó đi. Nó đang kẹt...”. Nói vội rồi ông ta lúi cúi gọi xe, hẹn khách, ghi chép... Hầu hết cánh xe thồ Phước Sơn đều tôn vinh người đàn ông này như thủ lĩnh của họ, bởi không những vì tài nghệ lái xe mà còn là cả một cách sống hào sảng đậm nghĩa tình. Anh em đội xe quen gọi ông là Đế, chuyện xe thồ, chuyện rừng núi, chuyện sập hầm chết chóc... hay những cuộc thanh trừng đẫm máu nơi xứ vàng của hàng chục năm về trước được ông Đế kể rành rọt như người trong cuộc.

Chỉ chiếc xe Minsk rệu rã dựng trước quán, ông Đế bảo: “Nó từng chở gần 20 thi thể trong cuộc đời xe thồ của tui đó. Họ đã xấu số, để họ nằm lại rừng nhìn sao đành”. Ông Đế kể có lần ông nghe tin có một người đi “tọ mọ” (đi mót quặng vàng) sập hầm vàng chết không có thân nhân, đang bỏ nằm giữa rừng..., tờ mờ sáng ông choàng dậy phi xe thẳng vào rừng.

“Đó là một thanh niên Huế, nặng đâu chừng 80kg, chết co ro. Tui mua can rượu 20 lít đem theo vào phun, tẩm, bóp... uốn nắn thân hình người thanh niên trên giống y như tư thế một người còn sống ngồi sau lưng xe rồi lấy dây thun cột chặt vào thắt lưng mình, tay thì quàng vào cổ rồi trùm thêm cái mền (chăn) từ đầu đến chân, cứ thế chạy một mạch từ rừng đến sân bay Khâm Đức. Rồi lại mua rượu phun tiếp lần nữa để “bẻ” thẳng chân tay trở lại y như ban đầu để họ đưa về Huế chôn cất”. Kể rồi ông Đế bảo có những chuyến xe hư giữa rừng, đành phải nằm co ro bên thi thể chờ trời sáng... sửa xe để đi tiếp.

Xót cho những phận người nằm xuống giữa rừng hoang lạnh lẽo, hằng năm cứ đến ngày 16 tháng chạp, đội quân xe thồ Khâm Đức lại tổ chức quyên góp tiền để mua sơn, hương đèn và bánh trái vào thắp hương và sơn quét lại những ngôi mộ hoang vô chủ giữa đường rừng. “Cánh xe thồ chúng tôi là những người gần gũi với các nấm mồ hoang của các phu vàng nhất. Bởi ngày nào cũng chạy qua chỗ họ nằm. Nếu rảnh rỗi thì ngày 16 tháng chạp tới, mấy chú lên đây đi một vòng thăm các mộ hoang cùng đội xe thồ rừng núi này” - ông Đế nói vội rồi đi gom tiền ghi sổ chờ ngày tổ chức quét mộ cuối năm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.