(Tin Nóng) Hơn 60 năm qua, dòng xe tăng T-54/T-55 của Liên Xô vẫn tiếp tục là vũ khí chủ lực của nhiều quân đội trên thế giới, do đặc điểm đơn giản, dễ sử dụng và hoả lực mạnh như khẩu súng trường AK, theo tạp chí Mỹ The National Interest ngày 26.9.
Tăng T-54 của quân đội nhân dân Việt Nam diễn tập - Ảnh: Báo QĐND
|
Theo tạp chí này, bất cứ cuộc xung đột nào xảy ra thì đó là cơ hội cho loại xe tăng nổi tiếng này xung trận. Như trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan những năm 1990, cả hai phe Taliban và Liên minh phương Bắc đều sử dụng xe tăng T-55 đấu nhau. Hoặc xe tăng T-54/T-55 cũng tham gia trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ. Ngày nay quân IS đang dùng xe tăng T-55 chiếm được của quân đội Iraq và Syria, và chiến đấu nhiều hơn hẳn loại tăng hiện đại M1 Abrams do Mỹ chế tạo mà IS chiếm được.
Kết thúc Thế chiến II, loại xe tăng chủ lực của Liên Xô là tăng hạng trung T-34/85 cùng một số ít xe tăng hạng nặng IS-2 và IS-3. Loại tăng T-34 trang bị pháo 85 mm bắt đầu ngưng sản xuất. Còn tăng IS với khẩu pháo 122 mm thì tốc độ bắn chậm, mang ít đạn.
Liên Xô bắt tay thiết kế dòng tăng mới, và T-54 ra đời với nhiều cải tiến, như pháo dùng loại 100 mm, xe chỉ cao 2,39 m thấp hơn các loại tăng của Mỹ nên khó bắn trúng. Tháp pháo cũng nghiêng nên tránh bị đạn pháo bắn thẳng vào. T-54 còn có mẫu cải tiến là T-55.
T-54 xung trận lần đầu khi tiến vào thủ đô Budapest của Hungary dẹp lực lượng nổi dậy chống chính phủ. Quân nổi dậy đã bắt được 1 chiếc T-54 đưa vào bên trong toà đại sứ Anh, giúp các chuyên gia phương Tây xem xét những mặt lợi hại của dòng tăng này.
Năm 1972, bộ đội Việt Nam sử dụng tăng T-54 trong trận Dak To II ở Kontum, 2 chiếc tăng hạng nhẹ M-41 của quân đội VNCH bắn 3 phát đạn 76 mm vào 1 chiếc tăng T-54 chỉ làm chiếc tăng này hư hại nhẹ, và tăng T-54 dễ dàng nã pháo diệt cả 2 chiếc tăng M-41.
Tăng T-54 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975, Tổng thống chính quyền VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc toàn thắng - Ảnh: tư liệu
|
Tuy vậy loại tăng T-54 có nhược điểm là chỉ bắn được 4 phát/phút do đặc điểm tháp pháo của nó. Các kỹ sư Liên Xô bắt tay cải tiến tăng T-54 để cho ra T-55.
T-55 có thể bảo vệ tổ lái trong điều kiện chiến tranh hoá học và hạt nhân, bắn được 9 phát/phút. Súng máy trên tháp pháo được cải tiến.
Tuy vậy tăng T-54/T-55 trong một số cuộc chiến lại chịu nhiều thiệt hại, chủ yếu do binh lính huấn luyện kém, như cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa Syria và Israel, Syria áp đảo về số xe tăng T-55 nhưng bị Israel diệt gần hết đội tăng ở cao nguyên Golan. Trong chiến tranh vùng vịnh 1991, xe tăng Iraq bị tiêu diệt rất nhiều.
Tuy vậy dòng tăng T-55 vẫn được sản xuất và sử dụng phổ biến do dễ sử dụng với quân đội nhiều nước. Liên Xô đã sản xuất hơn 50.000 chiếc, Ba Lan và Tiệp Khắc chế tạo hàng ngàn chiếc, và Trung Quốc sao chép thành mẫu tăng Type-59 sản xuất đại trà.
T-55 còn dùng làm xe tăng cơ giới, rà phá mìn, bắc cầu phao, xe cứu hộ v.v. Khung gầm T-55 còn được Liên Xô dùng chế tạo xe pháo phòng không tự hành ZSU-57–2 và xe bọc thép chở quân BTR-T.
Xe tăng T-55 được quân đội Israel cải tiến đặt tên là Tiran - Ảnh: RIA
|
Israel khi bắt được hàng trăm chiếc T-55 từ quân đội Ả Rập đã cải tiến dòng tăng này bằng việc gắn pháo 105 mm của Anh, và đặt tên là xe tăng Tiran (nhà độc tài).
Sau này Nga cải tiến cho ra tăng T-55M và T-55AM với lớp giáp composite BDD phía trước và trên tháp pháo, có thiết bị nhắm bắn pháo và tên lửa bằng laser, máy tính điều khiển...
Tạp chí Mỹ kết luận rằng dòng tăng T-54/T-55 vẫn còn hoạt động thêm nhiều thập kỷ nữa.
Anh Sơn
>> Xe tăng hạng nặng Joseph Stalin của Liên Xô làm thế giới kinh ngạc
>> Xe tăng Trung Quốc bị trực thăng diệt sạch trong diễn tập
>> Tăng T-90 của Nga sẽ thắng tăng M1 Abrams của IS ở Syria
>> Quân đội Nga khẳng định sẽ trang bị 2.300 siêu xe tăng Armata
>> Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực
Bình luận (0)