Xe trộm cướp tuồn qua Campuchia

21/04/2015 09:03 GMT+7

Không biết đã có bao nhiêu chiếc xe bị bọn trộm cướp đưa qua bên kia biên giới Campuchia để tiêu thụ, chỉ biết khi một số con đường quen thuộc bị bịt lại thì cánh xe gian lại mở ra con đường khác cho dòng xe này 'chảy' ra ngoài.

Không biết đã có bao nhiêu chiếc xe bị bọn trộm cướp đưa qua bên kia biên giới Campuchia để tiêu thụ, chỉ biết khi một số con đường quen thuộc bị bịt lại thì cánh xe gian lại mở ra con đường khác cho dòng xe này “chảy” ra ngoài.

Một nài xe bị bắt cùng xe tang vật tại biên giới Một nài xe bị bắt cùng xe tang vật tại biên giới - Ảnh: Tiến Trình

Hằng đêm, lộ 88 hướng về chợ Tho Mo chẻ ra ấp biên giới Xóm Mới (xã Mỹ Quý Tây, H.Đức Huệ, Long An) như bị rung lên bởi tiếng xe máy xé gió. Người dân vùng biên giới Mỹ Quý Tây (giáp ranh xã Somrong, H.Chantrea, tỉnh Svay Rieng, Campuchia) vốn không lạ gì với cánh nài xe “đá” (xe trộm cắp được). Các nài xe thường hoạt động trong những đường dây khép kín, được phân công khá kỹ lưỡng. Mỗi khi cánh đạo chích trộm được xe sẽ giao các nài nhanh chóng đưa xe ra vùng biên. Tại đây, một nhóm người tiếp nhận, tổ chức đưa xe gian vượt biên sang Campuchia.

Chưa trả hết nợ thì xe bị trộm

Đại úy Tình kể, khi bắt được xe “đá”, nếu trong xe có giấy tờ thì cơ quan biên phòng sẽ trực tiếp liên lạc trả lại cho khổ chủ. Nhiều người khi được gọi điện đến nhận xe vẫn không tin, tưởng kẻ cắp liên lạc để đòi tiền chuộc xe. Có trường hợp một anh cán bộ ở TP.HCM mua tặng xe vợ sắp cưới, nhận xe chưa được bao lâu thì xe bị ăn trộm. Người vợ không dám nói với chồng cho đến khi được lực lượng chức năng gọi đến nhận lại xe. Trường hợp khác, một công nhân dành dụm tiền mua xe trả góp, chưa trả hết nợ thì xe bị trộm, may là khi kẻ gian chạy xe đến biên giới Mỹ Quý Tây thì bị lực lượng biên phòng vây bắt.

Khi đưa xe vượt biên, nài “chính” được phân công lái xe gian (gắn biển số giả), đồng bọn còn lại đi theo chủ yếu để hỗ trợ mỗi khi gặp sự cố với cơ quan chức năng. Chúng thường chạy xe theo “cản địa” xe của lực lượng truy bắt.

Thị trường béo bở

Xe máy bị trộm cướp có nguồn gốc VN từ lâu đã trở thành món hàng ưa chuộng của giới kinh doanh xe gian ở Campuchia, vì giá bán rẻ hơn nhiều so với xe nhập từ Thái Lan. Chẳng hạn, xe Dream “cá mập” 125 cc Thái ở thị trường Campuchia có giá 1.700 USD, tính luôn cả thuế thì phải tương đương 40 triệu đồng VN; xe Smash Thái có giá không dưới 35 triệu đồng VN… Trong khi đó, xe gian từ VN sang được bán sang tay không tới nửa giá xe Thái.

Ở Campuchia, việc đăng ký sở hữu xe máy rất dễ dàng. Khi có một chiếc xe trong tay, người dân có thể chỉ lên xã khai báo, đăng ký, nộp thuế… là chiếc xe đã thuộc về họ. Điều này tạo cơ hội cho xe không rõ nguồn gốc từ VN khi được bán sang Campuchia dễ dàng được hợp thức hóa thành xe “chính chủ”.

Còn đối với các đường dây tiêu thụ xe trộm cướp ở VN, từ lâu Campuchia vốn là thị trường béo bở của họ. Xe gian ở VN chỉ có thể… tháo bán phụ tùng, nhưng đưa sang Campuchia sẽ bán được với giá tương đương hoặc cao hơn giá xe cũ hợp pháp ở VN. Một chiếc Wave Alpha được các đầu nậu ở Campuchia mua 7 - 9 triệu đồng; 1 chiếc PCX từ 25 - 35 triệu; Yamaha Sirius từ 13 triệu đồng; Wave RS 2010 từ 9 - 10 triệu…

Nài xe biên giới

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dọc theo biên giới VN, phía trên đất Campuchia thường có những địa điểm được xem là trung chuyển của nhiều mặt hàng từ VN sang Campuchia và ngược lại. Giáp với Kiên Giang có Kampong Track (tỉnh Kampot), giáp An Giang có chợ Tà Lập hoặc gò Tà Mau (tỉnh Tà Keo); chợ Koh Thom (tỉnh Kan Dal), Neak Lương (Pray Viêng)… Một số địa điểm này còn là nơi phân phối xe “đá” từ VN sang, để từ đây sẽ đưa đến các cửa hàng, các bãi bán xe ở những đô thị lớn nhỏ ở Campuchia.

Địa danh Sróc Chek (hay còn đọc là Sóc Chếch, xã Somrong, H.Chantrea, tỉnh SvayRieng) khá nổi tiếng cả 2 phương diện: từng là điểm chính để đưa xe gian từ TP.HCM sang Campuchia và cũng là nơi chứng kiến hàng loạt nài xe sừng sỏ vùng biên cùng hàng trăm xe gian “rụng” lại ở biên giới. Ở bên kia biên giới có 3 người chuyên tiêu thụ xe “đá” từ VN, trong đó nổi cộm là R., từng công tác tại một cơ quan ở biên giới Campuchia. Khi xe được đưa ra tới địa bàn biên giới thì công việc còn lại là của các nài xe vùng biên. Riêng tại khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây có 7 tay “anh chị” chuyên thầu đưa xe “đá” sang Campuchia. Họ tổ chức các “ăng ten” để theo dõi động tĩnh của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng biên phòng. Khi thấy yên, họ tổ chức cho xe chạy thẳng ra biên giới trong đêm; có động tĩnh thì “ủ” xe lại.

Xe trộm cướp đưa sang Campuchia tiêu thụ bị giữ tại Đồn Biên phòng Mỹ Quý TâyXe trộm cướp đưa sang Campuchia tiêu thụ bị giữ tại Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây

Mỗi khi đưa xe “xuất ngoại”, cánh nài xe luôn được xe đồng bọn theo để “hộ tống” ra đến biên giới. Khi giáp mặt lực lượng công vụ, nhóm nài sẵn sàng liều lĩnh tạo ra một vụ va chạm xe, thậm chí hành hung người để xe gian thoát được qua bên kia biên giới. Chưa kể, các đầu nậu bên phía Campuchia mỗi khi hay tin có xe đưa sang biên giới thường tổ chức người đợi sẵn ở đường biên để nhận xe. Nếu xảy ra chuyện với cơ quan chức năng thì những người này sẵn sàng nhảy ra giành giật. Xong việc, mỗi nài đưa được xe qua biên giới sẽ nhận thù lao từ 300.000 - 500.000 đồng, tùy giá trị xe.

“Trong năm 2014, chúng tôi bắt được gần 90 xe, năm 2013 cũng con số tương đương, riêng đầu năm 2015 bắt được 25 xe”, đại úy Lê Trọng Tình, Phó trưởng đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, cho biết. Theo đại úy Tình, các nài xe gian đều là những tay liều lĩnh nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. “Để bắt được, nhiều lúc anh em biên phòng phải nghi binh, đánh lạc lướng theo dõi rồi bất ngờ chặn họ lại ở khu vực đường mòn biên giới. Thường các vụ việc diễn ra vào ban đêm, địa bàn biên giới hiểm trở, nài xe thường không bỏ xe gian để thoát thân mà chống lại để giành lấy xe, thậm chí sẵn sàng xung đột với lực lượng chức năng”, đại úy Tình nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.