Xe tự hành thăm dò mặt trăng trong nhiệm vụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã rời khỏi tàu vũ trụ vào hôm 24.8, bắt đầu thám hiểm bề mặt của mặt trăng.
Cơ quan Nghiên cứu Không gian Ấn Độ thông báo trên mạng xã hội: "Xe địa hình Ch-3 đã rời khỏi khoang đáp, và Ấn Độ đi dạo trên mặt trăng!".
Đất nước Ấn Độ vẫn đang lâng lâng sung sướng sau thành tựu mang tính lịch sử diễn ra hôm 23.8.
"Ấn Độ đang ở trên mặt trăng", người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ thông báo tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã hạ cánh thành công xuống cực nam mặt trăng vào hôm 23.8. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên làm được điều này.
Đây được xem là bước tiến rất quan trọng đối với việc thám hiểm mặt trăng và vị thế của Ấn Độ, và diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga thất bại khi đáp tàu xuống cực nam mặt trăng.
Thủ tướng Narendra Modi vẫy cờ Ấn Độ khi chứng kiến sứ mệnh từ hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, nơi ông tuyên bố đây là "chiến thắng của một Ấn Độ mới".
Đại sứ Ấn Độ tại LHQ Ruchira Kamboj cho biết: "Điều đáng lưu ý là Ấn Độ đã đến được cực nam của mặt trăng, là nơi chưa nước nào trên thế giới từng chạm tới cho đến nay, nhờ vào sự cống hiến và tài năng của đội ngũ khoa học của mình".
Đây là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ nhằm đưa tàu vũ trụ hạ cánh mặt trăng.
Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 đã triển khai thành công một tàu quỹ đạo, nhưng khoang đổ bộ của nó đã đâm vào mặt trăng.
Địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh ở cực nam trở nên khó khăn, nhưng đây là nơi có khá năng tìm thấy nước đóng băng, mở ra hy vọng cung cấp nhiên liệu, oxy và nước uống cho các sứ mệnh trong tương lai.
Chandrayaan-3 hiện dự kiến sẽ duy trì hoạt động trong hai tuần, thực hiện một loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt mặt trăng.
Bình luận (0)