(TNO) Xe tự hành Curiosity đã tạm ngưng hành trình khám phá sao Hỏa do bị chập mạch. Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang điều tra về sự cố, theo AP.
Curiosity có 6 bánh xe, kích thước bằng một chiếc xe hơi - Ảnh: NASA |
Chập mạch đã làm cánh tay robot của Curiosity ngừng hoạt động. Các kỹ sư NASA đang tìm hiểu vấn đề và quá trình kiểm tra có thể mất vài ngày.
Xe tự hành Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD, có kích cỡ bằng một chiếc xe hơi với 6 bánh xe và nặng khoảng 900 kg. Nó được trang bị 17 máy thu hình, một cánh tay robot, một máy chiếu laser và một máy khoan.
NASA phóng Curiosity vào tháng 11.2011 từ Mũi Canaveral ở bang Florida, đông nam nước Mỹ, theo Reuters.
Một lỗ khoan của Curiosity trên sao Hỏa - Ảnh: Reuters |
Curiosity đáp xuống một miệng núi lửa của sao Hỏa vào tháng 8.2012. Không lâu sau đó, Curiosity đã phát hiện ra các thành phần hóa học và điều kiện môi trường cần thiết để hỗ trợ sự sống của vi sinh vật. Đây là mục tiêu chính của NASA khi đưa xe tự hành lên hành tinh đỏ.
Đến nay, cỗ xe tự hành của NASA đã phát hiện thêm nhiều bằng chứng địa chất khác. Tháng 12.2014, Curiosity tìm thấy các hợp chất có chứa carbon trong một mẫu đá khoan từ một tảng đá cổ. Ngoài ra, Curiosity cũng tìm thấy những “chùm” lớn khí metan trong khí quyển sao Hỏa, một nguyên tố gắn liền với sự sống trên Trái đất.
Nhiều bằng chứng khác mà Curiosity thu thập được cho thấy cách đây 3,5 tỷ năm từng có một hồ nước rộng khoảng 154 km trên sao Hỏa. Điều này càng củng cố hơn những ý kiến cho rằng sao Hỏa là hành tinh gần giống Trái đất nhất trong hệ mặt trời.
Bình luận (0)