Gia nhập thị trường ô tô từ năm 2012, Mazda CX-5 được xem là một trong những dòng sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu Mazda tại Việt Nam với doanh số đạt khoảng 30.000 xe. Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước với dòng xe này, cùng cam kết đầu tư sản xuất, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và tiến tới xuất khẩu xe hơi sang các nước trong khu vực, Trường Hải (THACO) vừa xây dựng dây nhà máy Thaco Mazda hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á, tọa lạc tại Chu Lai, Quảng Nam.
CX-5 là một trong những dòng xe bán chạy nhất của thương hiệu Mazda tại Việt Nam
|
Đại diện Mazda Nhật Bản khẳng định, với việc chuyển giao công nghệ, trang bị máy móc hiện đại… chất lượng xe sản xuất, lắp ráp của nhà máy Thaco Mazda hoàn toàn tương đương nhà máy của Mazda tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm cũng được đội ngũ kỹ sư tại nhà máy Thaco Mazda nghiên cứu, thử nghiệm dưới sự giám sát của Mazda Nhật Bản, để đảm bảo phù hợp với đặc thù về điều kiện giao thông, địa hình, khí hậu tại Việt Nam.
Cùng với Mazda2, Mazda3 và Mazda6... mẫu CX-5 thế hệ mới lắp ráp tại nhà máy Thaco Mazda có công suất 50 ngàn xe/năm trong giai đoạn 1. Trên dây chuyền sản xuất với hàng loạt máy móc, robot tự động… mất khoảng 9 giờ với 5 công đoạn cơ bản để “tạo nên hình hài” và “cài đặt hệ thống điện, động cơ” cho mỗi chiếc Mazda CX-5, trước khi đưa vào chạy thử nghiệm.
|
Các chi tiết cấu thành khung xe sau khi được gia công, kiểm tra kỹ lưỡng sẽ chuyển đến dây chuyền hàn để bắt đầu quá trình lắp ráp. Tại đây, tất cả các bước đều được tiến hành tự động với sự tham gia của 50 robot mang nhãn hiệu Kawasaki Series B - thế hệ robot hiện đại nhất và 206 robot có chức năng định vị thân xe.
|
Các robot này sẽ giữ cố định các chi tiết cấu thành thân xe (body) và di chuyển dọc theo dây chuyền hàn để đảm bảo độ chính xác. 50 robot hàn với khả năng xoay chuyển linh hoạt sẽ kết nối các chi tiết thông qua các điểm hàn. Theo chia sẻ của kỹ sư nhà máy Thaco Mazda, mỗi body CX-5 có tổng động khoảng 3.000 điểm hàn. Công nghệ hàn điểm bằng súng hàn ứng dụng công nghệ servo (vít me) góp phần đảm bảo chất lượng mối hàn đồng đều, qua đó tăng độ cứng vững, chắc chắn ở mọi vị trí ghép nối trên thân xe.
|
Từ dây chuyền hàn, thân xe sẽ được hệ thống máy móc tự động di chuyển sang “trạm hoàn thiện body”. Tại đây, các chi tiết như nắp capo, cửa xe, cửa khoang hành lý… sẽ được lắp ráp tạo hình hài cho xe trước khi được kiểm tra và chuyển sang dây chuyền sơn nhúng tĩnh điện (ED) để tiến hành công đoạn 2.
|
Trước khi sơn tĩnh điện, thân xe sẽ lần lượt được chuyển qua các bể chứa hóa chất để tẩy dầu mỡ, gỉ sét. Sau đó tiếp tục qua bể chứa phốt phát nhằm xử lý bề mặt và tăng độ bám của màng sơn sau này. Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda áp dụng công nghệ phốt phát và định hình bề mặt trước khi sơn tĩnh điện thuộc thế hệ hiện đại nhất hiện nay, đảm bảo lượng muối (cặn) phát sinh rất ít, đáp ứng yêu cầu bề mặt không bụi sau khi sơn nhúng tĩnh điện.
|
Các robot tự động sẽ lần lượt nhúng ngập hoàn toàn thân xe trong các bể chứa hóa chất, phốt phát. Riêng tại bể sơn nhúng tĩnh điện, mỗi thân xe có thời gian sơn khoảng 4 phút, dài hơn so với công nghệ hiện nay (chỉ từ 3,3 - 3,5 phút) để đảm bảo lớp sơn có thể đồng đều trên mọi bề mặt thân xe. Theo kỹ sư nhà máy Thaco Mazda, với quá trình này độ dày lớp sơn ED trên các xe Mazda gấp 3 lần so với các công nghệ sơn nhúng tĩnh điện hiện nay (khoảng từ 12 - 13 micromet).
|
Thân xe sau khi trải qua công đoạn sơn nhúng tĩnh điện sẽ được chuyển vào phòng kín để các kỹ sư kiểm tra, thẩm định chất lượng của bề mặt sơn. Công đoạn này, các kỹ sư sẽ quan sát bằng mắt thường cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, đèn chiếu… để quyết định bề mặt sơn nhúng tĩnh điện trên thân xe có đạt chất lượng hay không trước khi chuyển sang dây chuyền sơn màu.
|
Tương tự như các công đoạn khác, dây chuyền sơn màu thân xe tại nhà máy Thaco Mazda được đầu tư hiện đại với công nghệ sơn wet on wet. Với công nghệ này, thân xe sẽ trải qua quá trình sơn lót và sơn hoàn thiện mà không cần qua công đoạn sấy như thông thường. Tại mỗi phòng sơn, các cánh tay robot tự động sẽ di chuyển để phun sơn đều sơn lên bề mặt thân xe. Tốc độ của robot và lưu lượng phun sơn đều được kiểm soát bằng hệ thống máy móc điện tử để đảm độ đồng màu và mọi vị trí đều được che phủ.
|
Hiện tại, các phiên bản CX-5 sản xuất tại nhà máy Thaco Mazda có 6 màu sơn cơ bản, gồm đen, xanh, xám xanh, nâu, bạc và trắng. Các màu sơn này đều được Mazda Nhật Bản kiểm tra, đánh giá trước khi chuyển giao đông nghệ sơn. Đặc biệt, các kỹ sư Mazda cho biết, việc thay đổi màu sơn thân xe tại dây chuyền này được thực hiện chỉ trong 45 giây. Điều này, giúp nhà máy có thể linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng với các lựa chọn về màu sắc đối với các dòng xe Mazda. Sau khi ra khỏi dây chuyền sơn màu, thân xe sẽ được chuyển sang phòng sấy với thiết kế chia làm 3 vùng nhiệt độ đảm bảo độ cứng bề mặt sơn mà không làm thay đổi màu sắc.
|
Thân xe sau khi sơn màu sẽ được vận chuyển bằng hệ thống máy nâng hạ tự động đến dây chuyền lắp ráp, để đảm bảo body không bị biến dạng so với việc vận chuyển bằng cẩu trục. Dây chuyền lắp ráp tại Thaco Mazda được tự động hoá lên tới 80% với sự tham gia của hệ thống máy móc. Trong đó, các cụm chi tiết lớn như động cơ, hộp số, cầu trước, cầu sau… sẽ được lắp ráp, kiểm tra ở khu vực riêng biệt sau đó được vận chuyển bằng các tay máy robot để kết nối vào thân xe. Điều này giúp đảm bảo độ chính xác trong suốt quá trình lắp ráp.
|
Ngoài sự hỗ trợ của máy móc, dây chuyền lắp ráp còn có sự tham gia của đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề. Các hệ thống điện, bảng taplo, ghế ngồi… lần lượt được robot cung cấp để lắp ráp vào xe. Lực siết từng con ốc trên xe được kiểm soát tự động và lưu trữ trong hệ thống, điều này giúp nhà máy Thaco Mazda kiểm soát chặt chẽ chất lượng lắp ráp từng mẫu xe Mazda. Vì vậy, sau khi hoàn thiện, lực siết của mỗi con ốc trên xe đều được cung cấp chi tiết trong trường hợp cần thiết.
|
Đặc biệt, việc gắn kính vào thân xe đều được tiến hành bằng hệ thống máy móc tự động. Các cánh tay robot sẽ thực hiện việc bắn keo dán kính. Điều này giúp đường keo đồng đều ở tất cả mọi vị trí, giúp kính lái được ráp vào body chuẩn hơn và chính xác hơn. Quá trình lắp ráp hoàn thiện mỗi chiếc Mazda tại dây chuyền này mất khoảng 3 giờ đồng hồ.
|
Mỗi chiếc Mazda CX-5 sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh sẽ trải qua dây chuyền kiểm định trước khi xuất xưởng. Tại đây, hệ thống máy móc tự động sẽ kiểm tra góc đặt bánh xe, đèn chiếu sang, tốc độ quay, phanh xe…Trong đó, mỗi bánh xe được kiểm tra bằng công nghệ 3D laser với 36 camera để đảm bảo các thông số kỹ thuật chính xác trong quá trình lắp ráp.
|
Sau đó, chiếc xe sẽ trải qua bài kiểm tra kéo dài khoảng 30 phút trong điều kiện phun mưa. Hệ thống băng chuyền thử kín của nhà máy cũng được thiết kế đặc biệt, vòi phun tự động ở mọi vị trí với áp lực phun ở mức tối đa lên tới 5,53 bar. Toàn bộ xe xuất xưởng được kích hoạt và kiểm soát bằng hệ thống EOL, kết nối trực tiếp với Mazda Nhật Bản để xác nhận tình trạng xe xuất xưởng tại nhà máy Thaco Mazda phải giống với xe sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản.
|
Ở công đoạn cuối cùng, mỗi chiếc Mazda CX-5 lăn bánh ra khỏi dây chuyền sản xuất sẽ được thử nghiệm trên đường thử có chiều dài 2,4 km được xây dựng trong khuôn viên nhà máy Thaco Mazda. Cung đường thử bao gồm với nhiều địa hình khác nhau như đường dốc, dường trơn trượt, sỏi đá, đường cua, đường thẳng tăng tốc… Đường thử này đã được Bộ Công Thương chứng nhận đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định 116 của Chính phủ.
|
Mỗi chiếc Mazda đều được đội ngủ thử xe điều khiển, lăn bánh qua đoạn đường dốc, để kiểm tra hoạt động của hệ thống lái, hệ thống phanh và thử nghiệm tính năng Auto Hold. Tính năng này khi được kích hoạt sẽ giữ cho xe không bị trôi khi dừng giữa dốc.
|
Khả năng cách âm, hoạt động của hệ thống treo trên Mazda CX-5 mới… cũng được đội ngũ thử xe tại nhà máy Thaco Mazda đánh giá qua các địa hình ghồ ghề, sỏi đá. Đặc biệt, đường thẳng có chiều dài hơn 1 km, giúp người lái cảm nhận hoạt động của hệ thống động cơ, hộp số… khả năng tăng tốc cũng như độ ổn định của Mazda CX-5.
|
Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra, đánh giá… Mazda CX-5 sẽ được bảo quản trước khi vận chuyển phân phối ra thị trường. Hiện tại, nhà máy Thaco Mazda tại Quảng Nam được thiết kế, xây dựng với đặc điểm khi tăng công suất lên đến 100.000 xe/năm trong giai đoạn 2, chỉ cần lắp đặt thêm một số thiết bị (robot, kéo dài băng chuyền tự động) và sản xuất không gián đoạn. Đồng thời, hầu hết các cụm chi tiết rời được lắp từ bên ngoài, sau đó chuyển vào dây chuyền chính lắp ráp hoàn thiện nên dễ dàng tách rời các linh kiện để sản xuất chi tiết nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 40% trong thời gian tới.
|
Bình luận (0)